Thứ Tư | 02/05/2012 13:35

Vì sao Ma San không chia cổ tức?

MSN sẽ không chia cổ tức năm 2011, dù lợi nhuận chưa phân phối cuối năm ngoái của công ty còn 4.680 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San, mã MSN, vừa công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2012. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc MSN sẽ không chia cổ tức năm 2011 dù lợi nhuận chưa phân phối của MSN tính đến hết năm 2011 còn 4.680 tỷ đồng.

Nếu chỉ nhìn giá trị của số tiền trên, thì đây là quyết định đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ, những doanh nghiệp làm ăn ở mức khiêm tốn hơn MSN vẫn chia cổ tức, thậm chí chia cổ tức ở mức 40 - 60% bằng tiền như ABT, NET, TCT, MEF... Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ mới thấy, MSN đã từng không chia cổ tức năm 2010, dù khi đó, MSN đạt lợi nhuận hơn 2.200 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2009.

Điều lạ là, thay vì thắc mắc, giới đầu tư lại gần như không quan tâm đến câu chuyện chia hay không chia cổ tức ở MSN. Theo giới phân tích, chủ yếu là nhà đầu tư đã hài lòng với đà tăng giá của MSN. Tính ra, giá cổ phiếu MSN đã tăng gần gấp đôi trong năm 2010. Gộp chung, giá cổ phiếu  MSN đã tăng hơn 300% kể từ khi niêm yết. Chỉ cần bán cổ phần hợp thời điểm, nhà đầu tư đã có thể hiện thực hóa những lợi nhuận kỳ vọng từ đầu tư cổ phiếu MSN.

Còn có thêm lý do để cổ đông không đòi hòi cổ tức ở MSN là, dù MSN đồng ý chia cổ tức cho cổ đông ở mức 100%, thì tính ra, MSN chỉ phải chi 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/10 so với thị giá MSN. Rõ ràng, chia hay không chia cổ tức trong trường hợp này không có sự khác biệt nhiều về giá trị thu được đối với nhà đầu tư.

Ngoài ra, MSN đang là công ty có cổ đông lớn đang nắm gần 80% vốn. Vì thế, mỗi quyết định ở MSN đã không còn lệ thuộc vào ý chí của cổ đông nhỏ.

Trong khi đó, các cổ đông lớn của MSN như công ty cổ phần Masan, Công ty TNHH MTV xây dựng Hoa Hướng Dương, BI Private Equity New Market II K/S (Bank Invest) có nhiều lý do để ủng hộ phương án dành vốn cho đầu tư thay vì đem chia cổ tức.

Thứ nhất, MSN đang trong giai đoạn cần huy động vốn cho những mục đích đầu tư vì sự phát triển dài hạn nhằm mục tiêu đạt lợi nhuận hợp nhất 1 tỷ USD và dẫn đầu thị trường trong các ngành mà MSN kinh doanh. Để làm được điều này, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (thực phẩm-đồ uống), chiến lược sắp tới của Masan consumer - MSC do MSN nắm 76,5% vốn sẽ đa dạng hơn về sản phẩm, mở rộng thị trường, thị phần.

Theo Báo cáo thường niên 2011, MSC sẽ đi cùng lúc theo 2 hướng: vừa tự tăng trưởng, vừa tìm cách mở rộng qua hình thức mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Trước mắt, trong năm 2011, MSC đã mua lại 50,2% cổ phần của Vinacafe-thương hiệu cà phê bán chạy nhất Việt Nam để chính thức đặt bước chân đầu tiên vào lĩnh vực đồ uống.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Công ty Masan Resources (MSR) - đơn vị MSN nắm 80% vốn đang có những hoạt động đầu tư rất lớn vào Dự án Núi Pháo (Thái Nguyên). Đây là dự án mà một khi đưa vào vận hành (quý I/2013), ước sẽ đem lại doanh thu 400 - 500 triệu USD, lợi nhuận 250 - 300 triệu USD/năm. Theo thông tin từ công ty, trong năm 2011, MSR đã chi ra khoảng 70 triệu USD để thuê Jacob Engineering tiến hành công việc thiết kế, mua sắm máy móc, thiết bị quan trọng cho Dự án Núi Pháo.

Trong mảng ngân hàng, Techcombank (nơi MSN nắm 30%vốn) đang có những hoạt động với tăng trưởng lợi nhuận 52,1% trong năm 2011. Techcombank tiếp tục đầu tư để phát triển mạng lưới giao dịch, sản phẩm và các tiện ích khác. 

Với một loạt những hoạt động đầu tư kể trên, dù Tập đoàn đang còn hơn 650 triệu USD tiền mặt (tính đến cuối 2011), thì rõ ràng, MSN vẫn cần tiếp tục huy động vốn. Trong năm 2012 và quý I/2013,  MSN dự kiến sẽ  triển khai một loạt kế hoạch gọi vốn như phát hành riêng lẻ tối đa 310 triệu cổ phiếu, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) với quy  mô tối đa 1,5 tỷ USD.

MSN đã chứng thực mình luôn thành công trong những lần gọi vốn. Mới đây, hai nhà đầu tư hiện hữu của MSN là Richard Chandler Corporation và Mount Kellett đã đồng ý cho MSN vay  thêm 185 triệu USD. Ngoài ra, Công ty Tài nguyên Masan Thái Nguyên, một công ty con của MSR đã huy động được khoản vay trị giá 80 triệu USD từ Ngân hàng Standard Chartered cho Dự án Núi Pháo.

Các nhà đầu tư sẵn sàng móc hầu bao với MSN, bởi sự tăng trưởng của MSN đúng như những gì MSN đã hứa: luôn đạt mức 30 - 50%. Trong tương lai 3 - 5 năm tới, khi những hoạt động đầu tư hiện tại mang lại nguồn thu ổn định, các chuyên gia khẳng định, đà tăng trưởng lợi nhuận của MSN sẽ còn ấn tượng hơn. Đó có lẽ là do, mà Công ty Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục giữ cổ phiếu MSN dù giá MSN đã hơn 110.000 đồng/cổ phiếu.

Nguồn Báo đầu tư


Sự kiện