Ảnh: Tuoitre.vn

 
Như Mai Thứ Ba | 30/07/2019 11:43

Vì sao lợi nhuận của BIDV trong quý II đi lùi?

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, BIDV lãi trước thuế 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận 2019.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019. Theo đó, nhà băng này báo cáo mức lợi nhuận trước thuế 2.251 tỷ đồng, giảm 9,4% so với quý II.2018.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, BIDV lãi trước thuế 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2019.

Nguyên nhân chính cho sự đi lùi này là một lý do cũ, trích lập dự phòng lượng lớn để xử lý nợ xấu. Nửa đầu năm 2019, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 10.710 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 21.120 tỷ đồng (trong đó một nửa là nợ có khả năng mất vốn – 10.491 tỷ đồng), chiếm 1,98% dư nợ cho vay, so với mức 1,9% tại thời điểm 31/12/2018.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ mảng tín dụng của ngân hàng cũng chỉ tăng nhẹ từ mức mức 17,46 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng 2018 lên 17,68 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ chi phí lãi trên thu thập lãi của BIDV tăng lên mức 63,65%, so với mức 60,5% trong cùng kỳ năm ngoái.

Vi sao loi nhuan cua BIDV trong quy II di lui?
Tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập từ lãi tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ. Ảnh: BCTC quý II 2019 của BIDV.

Điều này có thể một phần là do sự sụt giảm của khoản mục tiền gửi không kỳ hạn và sự gia tăng của tiền gửi có kỳ hạn từ khách hàng tại BIDV. Cụ thể, tại thời điểm 30/06/2019, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại BIDV ở mức 134,66 nghìn tỷ đồng, giảm gần 10 nghìn tỷ so với thời điểm cuối năm 2018, cùng với đó là sự gia tăng của tiền gửi có kỳ hạn từ khách hàng, từ mức 787 nghìn tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018) lên 870 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 83 nghìn tỷ đồng) vào cuối quý II/2019. Tiền gửi không kỳ hạn thường là nguồn vốn giá rẻ với lãi suất thường dưới 1%, trong khi đó các ngân hàng thường phải chi trả mức lãi suất cao hơn dành cho tiền gửi có kỳ hạn.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Tổng huy động vốn của ngân hàng đạt gần 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 7,5% khi dư nợ đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng.