Ảnh: Quý Hòa

 
Đoàn Kiều My - Công ty YellowBlocks Thứ Ba | 22/10/2019 13:37

Vì sao kỳ lân Grab vẫn sống sót?

Grab ở đâu trong cuộc đua “đốt tiền” của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam?

Theo một báo cáo mới đây của ABI Research, ngành công nghiệp ô tô đã chững lại trong khi thị trường ứng dụng đặt xe vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể. Một báo cáo khác của Google ước tính lĩnh vực ứng dụng đặt xe sẽ đạt mức định giá 30 tỉ USD vào năm 2025 với thị trường tại hơn 500 thành phố ở Đông Nam Á.

Bất chấp các con số khả quan từ thị trường chung, các ứng dụng gọi xe vẫn đang chấp nhận những khoản lỗ lớn. Nhưng quan trọng hơn, nhiều ứng dụng đang loay hoay tìm hướng phát triển trong một thị trường ngày càng cạnh tranh. Chỉ trong vòng 5 tháng, GoJek đã thay Giám đốc Điều hành thứ 2 tại Việt Nam, hay Uber phải vật lộn với khoản lỗ ròng 1,1 tỉ USD cho quý I/2019 và công khai rút khỏi thị trường châu Á vào năm ngoái.

Ở hướng còn lại, Grab hiện là ứng dụng đặt xe được tải nhiều nhất giai đoạn từ tháng 1-7, tiếp theo là GoViet (GoJek), Be và FastGo. Trong nửa đầu năm nay Grab chiếm trên 70% thị trường ứng dụng đặt xe tại Việt Nam, trong khi GoJek chiếm 10%. Trong cuộc đua “đốt tiền” giành thị phần, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường xe công nghệ đã hoàn thiện với phần thắng thuộc về Grab và thực tế này sẽ không thay đổi trong ít nhất 3 năm tới, trừ phi có rủi ro quá lớn.

 

Làm thế nào mà Grab duy trì được vị trí thống trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Grab thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014 với tên gọi là GrabTaxi và sau đó là bổ sung thêm dịch vụ gọi xe và chiếm miếng bánh thị phần từ Uber. Từ đó đến nay, Grab liên tục mở rộng các dịch vụ từ gọi xe máy, taxi, xe buýt, đồ ăn đến thanh toán trực tuyến, cho vay, phân tích tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp... Dự kiến cuối năm 2019, Grab sẽ hoàn thành kế hoạch trở thành ứng dụng đa dịch vụ để cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu hằng ngày từ vận chuyển đến thực phẩm, giải trí và thanh toán điện tử, tương tự như WeChat đã làm tại Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên dẫn đến lợi thế lớn của Grab chính là việc xây dựng thành công một siêu ứng dụng - một ứng dụng phục vụ tất cả mọi nhu cầu. Grab từ khi nào đã sớm phủ đầy đủ các dịch vụ trong cuộc sống hằng ngày từ vận chuyển, thanh toán hóa đơn, đặt thức ăn và thậm chí là đặt phòng khách sạn. Đây chính là yếu tố quan trọng đằng sau sự thành công của cả GoJek và Grab.

Grab, giống như tất cả các siêu ứng dụng khác, cung cấp đầy đủ các tiện ích và chức năng để giữ chân người dùng. Nó có thể giải quyết mọi vấn đề vào bất cứ lúc nào. Các chương trình ưu đãi cũng giúp xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Grab cung cấp điểm tích lũy cho khách hàng để chi tiêu ngay trên ứng dụng. Người dùng có thể đổi điểm để lấy mã ưu đãi mua gà rán tại KFC, mua cà phê hoặc đặt xe Grab miễn phí...

Mặt khác, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trở thành vũ khí độc quyền tạo nên sự khác biệt cho hệ sinh thái Grab. Grab đã thể hiện rõ tính cam kết nghiêm túc và lâu dài tại thị trường Việt Nam với trung tâm R&D này, cùng 1.000 nhân lực nội địa, trong đó có hơn 100 kỹ sư công nghệ nhiều kinh nghiệm. Đây là một bước đi rất thông minh và đúng đắn. Việc thuê nguồn nhân sự ngay tại địa phương đã giúp Grab có được 2 lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn: nhân tài công nghệ và sự thấu hiểu sâu sát về thị trường nội địa. Và cũng chính từ “căn phòng tương lai” - Trung tâm R&D, Grab đã ứng hệ thống quy mô lớn tích hợp các công nghệ mới nổi như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A.I) và tương tác dữ liệu - con người mà họ dùng để “may đo” trải nghiệm cho riêng người dùng Việt Nam.

 

Chú trọng yếu tố nội địa hóa cũng góp phần tạo nên thành công của kỳ lân này. Hãy nhìn vào cách Grab làm chủ từng thị trường Đông Nam Á: GrabBike khi ở Việt Nam, GrabBajay khi đến Indonesia, ThoneBane ở Myanmar, GrabTukTuk ở Thái Lan và Remorque riêng cho Campuchia. “Chúng tôi sẽ luôn tập trung vào nội địa hóa các dịch vụ Grab tại mỗi quốc gia, cho từng khách hàng và cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng”, ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, cho biết.

Grab thực sự là một trong những gã khổng lồ công nghệ vì họ hiểu rất rõ và khai thác thành công được sức mạnh của nhóm công nghệ ABCD (A.I - Blockchain - Cloud - Data). Từ đây, Grab thấu hiểu người dùng một cách chính xác và điều chỉnh kế hoạch phát triển phù hợp cho từng vùng, từng quốc gia. Đối với doanh nghiệp, nguồn dữ liệu theo thời gian thực chính là chìa khóa khai phóng cơ hội cho doanh nghiệp hiểu về nhu cầu của thị trường. Những yếu tố thành công của Grab cũng chính là những yếu tố quan trọng để một startup vươn ra thị trường toàn cầu và trở thành kỳ lân.

Trong khi Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong số các thị trường tiềm năng hàng đầu của Grab, cộng thêm nền kinh tế internet Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt 240 tỉ USD vào năm 2025, thì tất cả mới chỉ là một khởi đầu cho Grab.

► Grab có giá trị bao nhiêu?

► Grab mở trận cho vay tiêu dùng