Vì sao Honda Việt Nam cho thôi việc gần 40% lao động?
Một trong những cam kết của các nhà đầu tư, dù là trong nước hay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều khẳng định sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương, đặt biệt là con em của những nông dân mất đất. Tuy nhiên, có rất nhiều lao động xung quanh Nhà máy Honda Việt Nam (tại Vĩnh Phúc) phản ánh đã bị cho thôi việc sau khi làm việc từ 1-4 năm tại đơn vị này.
Mất hết ruộng vẫn bị thôi việc
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm về tổ dân phố Xuân Mai 2 – 3, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên - nơi bị mất nhiều đất nhất, nhiều hộ đã phải “nhường” 100% đất ruộng để có Nhà máy Honda hôm nay.
Bà H.T.L ở tổ dân phố Xuân Mai 2 bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã phải nhượng lại đất cho dự án xây dựng nhà máy cách đây 20 năm với mức giá rất “bèo”. Có hộ được 6 – 7 triệu đồng, hộ cao cũng chỉ được 8,6 triệu đồng/sào (360m2). Giờ không còn ruộng chỉ mong con cái được vào nhà máy có công việc ổn định nhưng con em chúng tôi vẫn bị công ty cho thôi việc”.
Còn anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1974 ở tổ dân phố Xuân Mai 3 sau khi bị Honda cho thôi việci đành ngậm ngùi về “làm thuê” cho vợ. “Gia đình tôi có 2 sào ruộng, năm 1996 đã “nhượng” hết cho Honda xây dựng nhà máy. Sau đó tôi được tuyển vào Honda làm hơn 4 năm, đến năm 2005 thì họ thông báo hết hợp đồng, phải nghỉ việc. Trong khi đó, khi về lấy đất họ hứa này nọ, nào là khi hết hợp đồng, nếu đủ sức khỏe, không vi phạm sẽ được gia hạn ký tiếp. Nhưng họ nói một đằng, làm một nẻo, đùng cái cho nghỉ, tôi chán chẳng buồn lên chia tay anh em cùng dây chuyền làm việc vì ngại mọi người nói mình kém cỏi” – anh Đ chia sẻ.
Theo anh Đ, sau khi nghỉ ở Honda, tuổi già thì không hẳn, nhưng trẻ thì cũng chẳng còn trẻ nữa, nên có đi xin việc ở chỗ khác cũng “nhỡ nhàng”, đành về quê tìm việc làm tự do và chủ yếu là “làm thuê” cho vợ. Vài năm gần đây, công việc bấp bênh, anh Đ vay ngân hàng để lấy tiền đi học nghề sửa chữa xe máy, mong có công việc, có thu nhập trang trải cuộc sống.
Trao đổi với PV Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt, ông Đỗ Văn Thắng – Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Mai 2 nói: “Hiện chưa có con số cụ thể, nhưng hầu như năm nào cũng có cả trăm công nhân là con em của địa phương làm việc trong Công ty Honda bị cho nghỉ việc và phải đi tìm việc làm khác”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lợi – Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Mai 3 cũng khẳng định, do trong tổ dân phố có khoảng hơn 300 hộ nên không thể thống kê hết được, nhưng hầu như năm nào cũng có lao động hết hợp đồng ở Honda bị cho thôi việc, do đó tình hình an ninh, giải quyết việc làm ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Xung quanh vấn đề này, ông Diệp Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phúc Thắng cho biết, năm 1996, 100% hộ dân ở các tổ dân phố Xuân Mai 1, 2, 3 đã giao hết đất nông nghiệp để Honda xây dựng nhà máy. “Mong muốn của người dân mất đất là có công việc ổn định, nhưng vào Công ty Honda rồi vẫn bị cho thôi việc thì đúng là thiệt thòi cho con em nông dân đã “góp” đất cho Honda quá” – ông Tuấn nói.
Sa thải gần 40% lao động
Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù nhu cầu sử dụng lao động của Công ty Honda Việt Nam không có biến động lớn, hàng năm vẫn sử dụng khoảng 7.000 - 8.000 lao động, nhưng số lượng công nhân bị sa thải lại có biến động rất lớn, lên tới hàng nghìn người. Cụ thể năm 2013, tổng số lao động được đóng bảo hiểm xã hội là 8.014 lao động, nhưng số lượng bị dừng đóng là 1.837 lao động; năm 2014 lại tuyển dụng mới với số lao động tăng lên là 8.568 lao động, nhưng sau đó tiếp tục dừng đóng bảo hiểm xã hội với 1.670 lao động; gần nhất là năm 2015 Honda Việt Nam vẫn sử dụng 7.827 lao động, nhưng dừng đóng bảo hiểm xã hội đạt mức kỷ lục 2.968 lao động (gần 40% tổng số lao động).
“Honda dừng đóng bảo hiểm xã hội, có nghĩa là các lao động đó đã bị sa thải” – ông Khổng Sơn Trường – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
Trao đổi với PV Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng LĐTBXH thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết, những năm đầu khi mới “đặt chân” tới Vĩnh Phúc đầu tư, Honda Việt Nam có thông qua ngành lao động nhờ tuyển dụng lao động, nhưng sau đó đơn vị này tự tuyển dụng. “Do Honda là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên chủ yếu do Sở LĐTBXH quản lý, chúng tôi vẫn thường xuyên gửi công văn yêu cầu đơn vị này đăng ký thang bảng lương để tránh tình trạng bóc lột sức lao động”– ông Bình cho biết. Tuy nhiên, cũng có lúc Honda gửi thang bảng lương, nhưng có lúc họ không gửi, nên Phòng LĐTBXH không nắm bắt được tình hình biến động lao động của đơn vị này.
Được biết, tháng 3.2016, Honda Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 20 năm hoạt động ở Việt Nam. Trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda vào Việt Nam đạt khoảng 530 triệu USD, sử dụng khoảng 10.000 lao động. Tuy nhiên, việc mỗi năm Honda cho thô việc hàng nghìn lao động, đang gây hoang mang, bất ổn cho lao động và tình hình an ninh, kinh tế chính trị của địa phương. Vì sao Honda lại cho nghỉ việc nhiều lao động như vậy? Câu trả lời sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài sau.
Ông Đặng Quang Điều - Trưởng Ban chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Người lao động chịu thiệt thòi rất lớn Chúng tôi đã nghe về thực trạng các doanh nghiệp cho thôi việc lao động như Công ty Honda Việt Nam. Việc chấm dứt hợp đồng với người lao động của các doanh nghiệp sẽ gây ra thiệt thòi rất lớn với họ. Tất nhiên, muốn bảo vệ quyền lợi người lao động phải thực hiện đúng theo Luật Lao động, xét về luật thì Honda chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi đã hết hợp đồng là không sai. Chúng tôi cũng đã yêu cầu công đoàn cơ sở thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình biến động của lao động ở các doanh nghiệp. Nếu công đoàn cơ sở báo là có tình trạng “lách luật”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi điều khoản luật để bảo vệ quyền lợi người lao động./. |
Nguồn Dân Việt