Quang cảnh vụ kiện giữa Grab và Vinasun.
Vì sao Grab đòi hoãn vụ kiện với Vinasun?
Cụ thể, Cửu Long, đơn vị thực hiện giám định độc lập được tòa chỉ định để giám định thiêt hại của Vinasun đã vắng mặt trong phiên tòa sáng nay. Phía Grab cho rằng sự có mặt của Cửu Long là hết sức cần thiết bởi nghiên cứu và cách tính của Cửu Long có rất nhiều sơ hở và có nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ.
Vì vậy, Grab cho rằng nếu đơn vị này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Cửu Long cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của họ tại tòa.
Thứ đến, Grab đã có kiến nghị về việc Vinasun không được tiếp cận các tài liệu kinh doanh bao gồm danh sách hợp tác xã, hợp đồng với hợp tác xã, cũng như không công bố các tài liệu này trước công chúng tại tòa. Grab đã có đơn kiến nghị đến Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, nhưng trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM chưa trả lời đơn kiến nghị của Grab thì đại diện Grab cho rằng các tài liệu kinh doanh đã bị sao chép.
Grab hiện đã tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao về vấn đề này nhưng Tòa án Nhân dân TP.HCM đã bác kiến nghị của Grab và vụ kiện sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 18/10/2018.
Vụ Vinasun kiện Grab đã kéo dài hơn 7 tháng. Theo đó, đơn vị này kiện Grab ra tòa bồi thường 42 tỉ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng do Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi.
Về phía Grab, đơn vị này không đồng tình với quan điểm Vinasun đưa ra và khẳng định đều làm theo quy định của Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan.