Vì sao Giống cây trồng Miền Nam muốn hủy niêm yết?
Đây là thông tin sẽ được Công ty đưa ra tại Đại hội bất thường diễn ra vào ngày 10.10 tới. Theo đó, Đại hội lần này sẽ bàn về việc đưa cổ phiếu SSC rời niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE, giảm vốn điều lệ công ty. Đồng thời, phê chuẩn chấp thuận việc miễn nhiệm và bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đã có hiệu lực từ ngày 1.8.2018.
Thị trường vẫn thuận lợi
Vì sao một doanh nghiệp vẫn đang “ăn nên làm ra” lại quyết định hủy niêm yết trên sàn chứng khoán?
Quý II/2018, SSC đạt doanh thu 214 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 27 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt gần 318 tỉ đồng, tăng trưởng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 110% so với cùng kỳ, đạt trên 44 tỉ đồng. Ngoài ra, vay ngắn hạn của SSC tính đến hết 30.6 là 98,2 tỉ đồng.
Hiện tại, số lượng sản phẩm khoa học công nghệ của SSC đã nâng lên 70%, giúp đơn vị được miễn giảm thuế thu nhập. Ngay trong vụ đầu tiên của năm 2018, SSC đã phát triển được trên 8.000 tấn giống mới, nâng thị phần tại ĐBSCL lên 4,5%.
Tuy nhiên, về khoản tồn kho tính đến quý 2.2018 thì giá trị hàng tồn kho của SSC là hơn 235,9 tỉ đồng, tăng hơn 130 tỉ đồng so với giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2017. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SSC đang đi ngang, thị giá 65.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 28.9. Thanh khoản của SSC rất yếu, mất thanh khoản thường xuyên.
Trong khi đó, khoảng thời gian gần đây, Công ty Giống Cây trồng Miền Nam đã có nhiều biến động về nhân sự. Cụ thể, ông Bùi Quang Sơn, thành viên Hội đồng quản trị công ty, đã có đơn từ nhiệm và đã được chấp thuận từ ngày 1.8.2018.
Cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Anh, quyền Tổng giám đốc được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Đình Nam, Kế toán trưởng, được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách quản trị kiêm giám đốc kế hoạch đầu tư; bà Đoàn Xuân Khánh Quyên, Phó phòng tài chính kế toán được phê chuẩn và bổ nhiệm giữ chức vụ Kế toán trưởng.
Chiến lược tái cấu trúc
Mới đây, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã chứng khoán NSC) muốn chào mua công khai 100% cổ phần SSC và đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán để chờ phê duyệt. "Lý do kết hợp nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ như Lộc Trời”, bà Lê Thị Lệ Hằng, chia sẻ.
Tuy nhiên, trong lần đăng ký mua gần nhất, NSC chỉ đăng ký mua 135.000 cổ phiếu SSC trong thời gian 14.8 đến 13.9. Nếu thành công thì NSC sẽ sở hữu 12,8 triệu cổ phiếu SSC, tương đương 84,7% vốn. Được biết, đứng sau NSC chính là PAN Farm, thuộc Tập đoàn PAN. Tập đoàn này đang sở hữu 80,11% vốn của NSC.
Chia sẻ về việc M&A này, tại đại hội cổ đông hồi tháng 4.2018 của SSC, bà bà Lê Thị Lệ Hằng, Chủ tịch HĐQT, cho rằng SSC đang tái cấu trúc và đổi mới toàn diện trong công tác quản trị, sản xuất kinh doanh, công tác phát triển sản phẩm, đặc biệt là công tác nghiên cứu. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho SSC trong quá trình xây dựng thương hiệu lúa độc quyền, có được công nghệ khoa học từ NSC, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.