Sau hơn 2 tuần duy trì giá bán USD quanh mức 21.005 đồng/USD, cuối tuần qua giá bán USD niêm yết tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chạm biên độ 21.036 đồng/USD, bằng giá của các ngân hàng thương mại (NHTM). Ở chiều mua vào, tỷ giá vẫn giữ nguyên 20.850 đồng/USD. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được NHNN duy trì ở mức 20.828 đồng/USD. Giá USD tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó do cầu ngoại tệ tăng trên thị trường chính thức.
3 lý do tăng giá USD
Theo một tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần, phân tích từ thực tiễn 2 tuần qua, cho thấy tỷ giá trên thị trường tăng xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là cầu USD tăng do 3 yếu tố: thứ nhất, nhu cầu USD để nhập lậu vàng tăng trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 5 triệu đồng/lượng.
Thứ hai, sắp đến thời hạn 30/6, giới đầu cơ ngoại tệ dự đoán NHNN sẽ đẩy mạnh nhập khẩu vàng để đấu thầu, hỗ trợ các NHTM hoàn thành tất toán trạng thái vàng. Vì vậy, giới đầu cơ đã đón đầu găm giữ và đẩy giá USD trên thị trường lên cao.
Thứ 3, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Và khi nhập siêu tăng trở lại, cầu ngoại tệ của doanh nghiệp để nhập hàng hóa tất yếu cũng tăng theo.
Nguyên nhân thứ hai, trước đây lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ cao, trong khi lãi suất tiền gửi USD bị khống chế 2%/năm đối với cá nhân và 0,5%/năm đối với doanh nghiệp, nhiều người dân bán ngoại tệ lấy VNĐ để gửi tiết kiệm. Nhưng hiện nay sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động bằng VNĐ đã khiến chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và VNĐ hẹp lại, dẫn đến người dân rút VNĐ mua USD gửi tiết kiệm, kéo theo cầu USD trên thị trường tăng theo.
Nguyên nhân thứ ba, cầu tăng trong khi cung USD trên thị trường ngoại tệ đang giảm do xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt (gạo, thủy sản) nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Ngoại tệ thu về các doanh nghiệp đều bán lại cho NHTM, nhưng do xuất khẩu giảm nên ngoại tệ bán cho NHTM cũng giảm theo.
Trong khi đó, nhu cầu vay ngoại tệ để hưởng lãi suất rẻ của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có. Cầu USD cao hơn cung buộc các NHTM phải đẩy giá mua bán USD tăng kịch trần cho phép.
Sóng ngắn hạn?
Đợt tăng tỷ giá này đã xuất hiện thông tin cho rằng tới đây NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN đã lên tiếng bác bỏ việc tăng tỷ giá và nhận định do nhu cầu một số NHTM tăng để bù đắp trạng thái, nhưng sự việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Đồng thời, dù tỷ giá trên thị trường biến động nhẹ nhưng trạng thái ngoại tệ của hệ thống NHTM vẫn cải thiện, thanh khoản tốt. Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, dự trữ ngoại hối quốc gia thời gian qua tăng cao nên không quá lo về sự biến động tỷ giá quá lớn.
Gần đây NHNN cũng đã bán ra gần 1 tỷ USD để cân bằng cung cầu ngoại tệ và dự kiến mức tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm nếu có cũng chỉ khoảng 1%. Vì vậy, biến động của tỷ giá chưa tác động đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tạo áp lực lên lạm phát từ nay đến cuối năm.
Có thể sau thời hạn 30/6/2013 cầu ngoại tệ của thị trường sẽ ổn định trở lại. Điều quan trọng hiện nay là NHNN sẽ cân nhắc và cẩn trọng hơn trong lộ trình điều chỉnh giảm tiếp lãi suất huy động bằng VNĐ. Bởi nếu giảm quá nhanh với biên độ không nhỏ sẽ gây lên áp lực tỷ giá vào những tháng cuối năm, trùng thời điểm cầu ngoại tệ của nền kinh tế đang tăng mạnh.
Theo một lãnh đạo NHTM, thời điểm này khá nhạy cảm khi thị trường đang chờ động thái điều hành tỷ giá của NHNN và giá USD đang có “sóng”, nên không NHTM nào mạnh tay thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ lấy tiền đồng (short USD) để cho vay kiếm chênh lệch lãi suất như trước.
Bởi chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ khoảng 7%/năm là an toàn, dưới 7%/năm ở mức trung bình, nhưng giảm xuống 5%/năm là nguy hiểm và rủi ro cho nghiệp vụ short USD. Khi short USD lấy tiền đồng kinh doanh NH có thể lãi 6-7%/năm, nhưng chỉ cần tỷ giá biến động các NHTM có thể mất hết lợi nhuận trên trong vài tháng.
Một phó tổng giám đốc phụ trách phòng ngoại hối ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: USD tăng giá trong những ngày qua là cơ hội kiếm lợi cho giới nhà băng. Nhưng do NHNN giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM từ 30% xuống 20%/vốn tự có nên không phải NHTM nào cũng làm được.
Hơn nữa, để tránh đầu cơ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng, NHNN giám sát rất kỹ nhu cầu mua ngoại tệ của các NHTM. “Nếu cầu USD còn tăng, bên cạnh bán USD ra can thiệp, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ hơn, yêu cầu NHTM chỉ ưu tiên ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu. Do vậy, những doanh nghiệp nhập khẩu thuần túy sẽ chịu thiệt thòi hơn” - vị này nhận định.
Nguồn Sài Gòn Đầu tư Tài chính