Chủ Nhật | 11/08/2013 07:08

Vì sao giá nông sản Mỹ rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc

Trung Quốc là nước nông nghiệp, nhưng sản xuất theo kiểu tự cấp tự túc. Mỹ là nước đại công nghiệp nhưng vẫn lấy nông nghiệp là cơ sở.
Một thực tế là giá hàng nông sản ở các nước công nghiệp phát triển, điển hình là Mỹ lại rẻ hơn nhiều so với giá ở các nước nông nghiệp và đang phát triển, điển hình là so với Trung Quốc.Tưởng chừng đây là một nghịch lý, nhưng mớ rau cân thịt phản ánh rõ phương thức sản xuất của các nước này khác nhau.

Báo chí Trung Quốc đưa tin "Thông báo tình hình kinh tế tháng 7/2013" do Cục thống kê nhà nước Trung Quốc công bố ngày 8/8/2013 cho biết giá các mặt hàng nông sản phẩm từ đầu năm tới nay đều tăng làm chỉ số CPI tăng lên, như tháng 6/2013 tăng 2,6%, tháng 7 tăng 2,8%. CPI năm 2011 tăng cao nhất, có lúc tới 6,4%, năm 2012 cũng ở mức 4,2%.

Tờ "Kinh tế Trung Quốc" ngày 9/8/2013 có bài "Vì sao giá hàng nông sản phẩm của Mỹ rẻ hơn Trung Quốc nhiều?" của Tác giả Phan Thạch Ngất.

Bài báo viết Trung Quốc là nước nông nghiệp, nhưng sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cấp tự túc. Chính sách của Trung Quốc là lấy an ninh lương thực làm chỉ đạo, thậm chí còn chủ trương "Lấy lương thực làm cương lĩnh", chú trọng tăng sản lượng, như mỗi mẫu đất cho sản lượng là bao nhiêu cân thóc. Với phương thức sản xuất này thì cho dù nhà nước có trợ cấp giá bao nhiêu thì giá lương thực vẫn chưa thể ổn định mà vẫn tăng, nhất là thời tiết không thuận. Bởi vậy, Trung Quốc cần chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh doanh, như đầu tư một đồng vào mảnh đất này sẽ làm ra được mấy đồng chứ không phải mấy cân thóc.

Mỹ là nước đại công nghiệp, nhưng họ vẫn lấy "Nông nghiệp là cơ sở của ngành chế tạo và thương nghiệp" và vẫn nhấn mạnh "Dĩ nông lập quốc". Nhưng phương thức sản xuất nông nghiệp của họ là lấy kinh doanh làm chủ đạo theo tiêu chí đầu vào cho một mẫu đất là một đồng thì đầu ra sẽ được bao nhiêu tiền, đồng thời luôn bám sát thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện nay nông dân Mỹ khoảng 4,5 triệu người, chiếm chưa đầy 2% dân số. Hàng năm ngành nông nghiệp Mỹ chẳng những cung cấp lượng hàng nông sản thực phẩm tiêu thụ trị giá tới 547 tỷ USD cho hơn 250 triệu dân ở trong nước mà còn xuất khẩu một khối lượng lớn hàng lương thực thực phẩm các loại ra nước ngoài, như năm 2013 dự kiến đạt 145 tỷ USD. Bình quân mỗi giờ người nông dân Mỹ đã tạo ra giá trị tới 6 triệu USD hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Mỹ là nước sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng cũng là nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới và xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới, như xuất khẩu thịt bò chiếm 1/4 thị phần thế giới, ngũ cốc, sữa bò, trứng chiếm 1/5 thị trường thế giới. Rõ ràng nước Mỹ đã giải quyết được bài toán về sản xuất nông nghiệp không phải tự cấp tự túc mà theo hướng kinh doanh và xuất khẩu.

Để giải quyết bài toán này, chẳng những có phương thức kinh doanh đúng đắn mà còn có các phương tiện và biện pháp khoa học kỹ thuật giúp sức ở tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, như tự động hóa, cơ giới hóa, vệ tinh hóa, mạng số hóa. Một gia đình nông dân có 6 người, nhưng canh tác diện tích tới trên 1.000 hecta. Ngay từ năm 1987, giá trị bình quân một lao động nông nghiệp Mỹ đã đạt tới 55.300 USD/giờ, gấp 4 lần mức bình quân của các nước công nghiệp phát triển. Tố chất của người nông dân Mỹ cũng cao hơn, như trên 30% nông dân Mỹ có trình độ đại học, trong số này hơn 50% có trình độ trên đại học.

Để hàng nông sản thực phẩm cạnh tranh giành được thị phần thế giới, rõ ràng giá cả phải rẻ và chất lượng phải đảm bảo, nhất là những thị trường khó tính như các nước công nghiệp phát triển Phương Tây và Nhật Bản. Chính vì vậy mà giá hàng nông sản phẩm của Mỹ rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trung Quốc là thực thể kinh tế thứ hai thế giới, là nước sản xuất nông nghiệp, nhưng theo phương thức tự cấp tự túc.

Giáo sư Đổng Thời Tiến, Nhà kinh tế nông nghiệp nổi tiếng Trung Quốc nói: "Từ lâu tôi đã phản đối phương thức sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cấp tự túc mấy nghìn năm để lại của Trung Quốc. Vấn đề hiện nay là Trung Quốc phải hướng ra thị trường quốc tế, sản xuất nông nghiệp phải theo phương thức kinh doanh có lợi... Lối thoát của sản xuất nông nghiệp Trung Quốc không phải ở chỗ một mẫu đất tăng thêm sản lượng được bao nhiêu mà ở chố đầu tư một đồng vào mẫu đất thu về được bao nhiêu tiền."

Ông Đổng Thời Tiến cho rằng với chính sách an toàn lương thực theo kiểu tự cấp tự túc hiện nay thì chúng ta trở thành nước nhập siêu lương thực, trên thực tế Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới. Nhà nước càng trợ cấp, giá lương thực càng cao. Nước Mỹ cũng trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp, như 10 năm từ năm 2002 tới 2012, nhà nước hỗ trợ 190 tỉ USD cho sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi năm là 19 tỷ USD, trần cao nhất theo quy định chung của quốc tế để không bị trừng phạt.

Ngoài ra, nhà nước Mỹ cũng hỗ trợ đắc lực để hiện đại hóa và số hóa sản xuất nông nghiệp, như năm 2004, nhà nước hỗ trợ 196 triệu USD để nâng cấp mạng số hóa hệ thống Internet cho nông dân nhằm tìm thị trường và có thông tin nhanh nhạy để cạnh tranh trên trường quốc tế. Ngoài ra nhà nước còn hỗ trợ tới 6,2 tỉ USD cho bảo vệ môi trường nông nghiệp. Năm 2004, nhà nước đầu tư tới 74 tỉ USD để hoàn thiện các mạng lưới dịch vụ và hạng mục đầu tư nâng cấp khoa học ky thuật cho nông nghiệp. Riêng khâu an toàn lương thực thực phẩm được nhà nước hỗ trợ tới gần 900 triệu USD.

Nhà nước Mỹ trợ cấp và hỗ trợ nông nghiệp để người dân Mỹ được hưởng giá hàng nông sản rẻ. Nhà nước Trung Quốc cũng hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng dân chúng vẫn luôn chịu giá mỗi ngày mỗi cao. Nước Mỹ cũng như một số nước công nghiệp phát triển hầu như họ không đưa ra chính sách an ninh lương thực như Trung Quốc và một số nước đang phát triển khác.

Điều này cho thấy giá cả một mớ rau, cân thịt, cân hoa quả cùng các loại nông sản khác ở Mỹ và Trung Quốc phản ánh rõ phương thức sản xuất tiên tiến hay lạc hậu. Nếu Trung Quốc không thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp thì giá cả hàng nông sản thực phẩm sẽ mỗi ngày mỗi cao và Trung Quốc sẽ luôn là nước nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới.

Nguồn Tầm nhìn


Sự kiện