Viết Nguyên Thứ Tư | 21/06/2017 10:43

Vì sao Gemadept thoái vốn ngoài ngành?

GMD đang tìm cách cải thiện vị thế cạnh tranh, trước làn sóng các công ty logistics nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Gemadept (GMD) vừa thông qua việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu để hoán đổi các khoản vay nợ đối với Vietnam Investments Fund II L.P (VIG) và bà Lê Thúy Hương. Theo kế hoạch, tháng 8 này, việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi khoản vay nợ cho VIG và bà  Hương sẽ diễn ra. Căn cứ vào số nợ thì VIG sẽ nhận về tương đương 30,41% vốn điều lệ mới, trở thành cổ đông lớn nhất tại GMD.

GMD muốn hợp tác

Người tha thiết muốn nhận chuyển nhượng số cổ phần GMD từ tay VIG tính đến thời điểm này là Taekwang ( Hàn Quốc). Cuối tháng 5 vừa qua, trên Korea Economic Daily của Hàn Quốc xuất hiện thông tin Taekwang muốn nhảy vào cuộc đua thâu tóm GMD. Taekwang đã gửi thư ngỏ ý mua lại GMD. Động thái này này nằm trong nỗ lực thiết lập một mạng lưới logistics tại khu vực Đông Nam Á của Taekwang.

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc GMD, cho biết ngoại trừ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi khoản vay nợ, Công ty sẽ không phát hành thêm đợt cổ phiếu nào khác. Vì thế, Taekwang muốn tham gia đầu tư vào GMD sẽ chọn cách mua lại cổ phiếu GMD trên sàn chứng khoán hoặc thương thảo nhận chuyển nhượng cổ phần từ VIG.

Theo lộ trình, sau khi nhận cổ phần GMD từ hoán đổi nợ, VIG và bà Hương sẽ chưa thể bán ngay mà phải đợi sau 1 năm. Ngoài ra, cả hai cũng sẽ phải tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng chứ không được bán ra trên thị trường chứng khoán. Đây là cách GMD giữ cho cổ phiếu được ổn định.

Mặc dù vậy, về phía Công ty, ông Minh cho biết nếu Taekwang đem nguồn hàng, mạng lưới hoạt động của mình hỗ trợ cho GMD thì Công ty sẵn sàng hợp tác. Taekwang là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc ra đời năm 1950 hoạt động trong lĩnh vực sợi tổng hợp, dệt may, hóa dầu… Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm và hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất giày dép lớn nhất tại Việt Nam. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của Taekwang từ Việt Nam đạt 1 tỉ USD. Vì thế, theo lãnh đạo GMD, hợp tác với Taekwang có lợi nhìn ở phương diện có thêm mạng lưới hoạt động và khách hàng mới sử dụng dịch vụ logistics và hệ thống cảng của GMD.

Trên thực tế, GMD rất cần những cái bắt tay với các đối tác bởi trong 3 năm tới, Công ty dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Trong mảng khai thác cảng, theo ước tính, khi giai đoạn 1 của dự án Nam Đình Vũ đi vào hoạt động năm 2018, GMD sẽ là công ty có hệ thống khai thác cảng lớn nhất miền Bắc, có thể gia tăng thị phần hàng thông qua ở Hải Phòng từ 21% lên 35%. Khi chiếm được tỉ trọng hàng hóa lớn, Công ty cần nhiều biện pháp để gia tăng doanh thu, lợi nhuận tương ứng. Bắt tay với các đối tác sẽ giúp GMD mở rộng các mối quan hệ bạn hàng làm ăn, tham gia vào các mảng cho giá trị gia tăng cao hơn, như cung cấp dịch vụ đưa hàng về tận kho.

Đối với mảng logistics, theo lãnh đạo GMD, việc chiếm được ưu thế hàng hóa tại miền Bắc sẽ giúp Công ty đến năm 2020 đẩy mạnh logistics tại miền Bắc ngang bằng với miền Nam, tức gấp 3 lần năm 2016. Song song đó, cùng với đầu tư thêm các trung tâm phân phối, GMD sẽ dấn bước vào cả những dịch vụ mới như vận tải thủy và vận tải xuyên biên giới (CBT), cung cấp logistics cho các công ty thương mại điện tử...

Chiến lược tìm kiếm

Với tăng trưởng ngành logistics của Việt Nam ở mức 20-25% và chi phí logistics chiếm gần 25% GDP cả nước, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ chiếm 7-10% GDP, mảng logistics ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn cho biết, đến thời điểm này, vẫn còn một số phân ngành dịch vụ logistics vẫn chưa thực sự mở cửa như mong đợi. Doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ thông quan, dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa và các dịch vụ thực hiện thay mặt cho chủ hàng... đều cần lập liên doanh với đối tác Việt Nam, với tỉ lệ vốn góp tùy vào dịch vụ mà sẽ ở mức vốn góp 49%, 51% hay 70%, 100%. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài cần tìm kiếm đối tác Việt Nam để cùng tham gia vào sân chơi trong ngành này.

Vi sao Gemadept thoai von ngoai nganh?

Ở chiều ngược lại, theo đánh giá của ông Hải, nghiệp vụ chủ yếu của các công ty trong nước mới chỉ dừng lại ở vai trò cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các hãng nước ngoài trong cả chuỗi hoạt động như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi… Chưa có một công ty nào đạt mức tương đối đầy đủ các loại hình dịch vụ theo đúng nội hàm dịch vụ logistics.

GMD muốn nâng tầm vị thế nên một mặt tìm cách thoái vốn khỏi các danh mục đầu tư ngoài ngành hoặc kém hiệu quả. Đó là khoản đầu tư tại Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept, CJ Việt Nam, mảng cao su. Mặt khác, GMD lên kế hoạch giảm sở hữu ở Gemalink cũng như đang đàm phán bước 2 với đối tác, để có thể thoái vốn khỏi Vận tải biển Gemadept Holding và Logistics Gemadept Holding. Mục đích là để kêu gọi hợp tác chiến lược để cùng phát triển.

Theo dự tính, GMD sẽ chỉ bán tối đa 51% vốn điều lệ tại 2 công ty dạng holding. Tương tự, GMD chỉ tính bán 25% vốn ở  Gemalink. GMD cho biết, khi khu vực Cái Mép - Thị Vải trở nên sôi động và cảng Gemalink có lợi thế về vị trí đắc địa bậc nhất, nằm trong chuỗi điểm đến của các siêu tàu container, lại cho khả năng cạnh tranh cao, đón một lúc 3 tàu tải trọng 20.000TEU, GMD cần nhiều hợp tác hơn để có thêm nguồn thêm hàng.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lưu ý, Gemadept Logistics Holding ở thời điểm cuối năm 2016 không thuộc trong danh sách các công ty con của GMD. Nhìn trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 cũng không thấy Vận tải biển Gemadept Holding thuộc công ty con. Vì không có thông tin chi tiết nên hiện tại SSI chưa thể đánh giá được gì về những tác động cụ thể đến GMD từ 2 công ty con này. Nhưng theo thông tin GMD đưa ra thì mức định giá cho 2 công ty là 250 triệu USD. Nghĩa là muốn sở hữu tối đa 51% vốn tại đây, các đối tác sẽ chi ra số tiền tương đương 125 triệu USD hoặc cao hơn.

Đặt giả thiết GMD thuận lợi trong các kế hoạch thoái vốn của mình, GMD vẫn gặp nhiều áp lực từ huy động lượng tiền lớn cho hoạt động đầu tư mở rộng các ngành cốt lõi. Riêng giai đoạn 1 dự án Nam Đình Vũ dự kiến cần đến 1.600 tỉ đồng, tương đương hơn 75 triệu USD. Ở dự án tái khởi động cảng nước sâu Gemalink, Công ty cần vốn đầu tư là 340 triệu USD. Gemalink đã được góp vốn 120 triệu USD và vẫn cần huy động thêm vốn. Đó là chưa kể đến những hoạt động đầu tư nâng gấp đôi năng lực cảng Bình Dương, cảng Phước Long, đầu tư thêm các trung tâm phân phối lớn, gia tăng công suất cho cảng hàng hóa hàng không SCSC... Gemadept còn cần tiền để chi trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông, với tỉ lệ chia đã được thông qua lên tới 85%/vốn điều lệ, đều bằng tiền.

GMD còn có thể chịu áp lực từ rủi ro cạnh tranh. Theo báo cáo của World Bank, ngành logistics tại Việt Nam vẫn bị hụt hơi trước các doanh nghiệp nước ngoài. 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đã tham gia đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam dưới nhiều hình thức. Trong đó, đáng chú ý là những tên tuổi như Kuehne + Nagel, Schenker, Ikea, APL, TNT, NYK, Maersk Logistics… Hiệp Hội Logistics Việt Nam cũng dẫn chứng rằng, hơn 200 đơn vị theo chân các nhà đầu tư Hàn Quốc để cung cấp các gói thầu liên quan đến vận chuyển nước ngoài.

Rõ ràng, GMD đã và sẽ theo đuổi chiến lược mở cửa để đón nhận thêm các nguồn lực mới, cùng triển khai các dự án đầu tư và để GMD có thể tham gia sâu hơn vào hoạt động logistics toàn cầu.

Viết Nguyên