Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Năm | 20/07/2017 07:30

Vì sao doanh nghiệp Việt luôn sợ thất bại?

Nỗi sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam đang tác động tiêu cực lên ý chí khởi nghiệp của nhiều người.

Môi trường kinh doanh đang chi phối các hoạt động kinh doanh và khởi sự kinh doanh. Điều này khiến chỉ số “sợ thất bại” khi kinh doanh tại Việt Nam trở thành thách thức lớn, bất chấp những nỗ lực cải cách của Chính phủ.Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong 2 năm 2014-2015 dần lấy lại lòng tin của người làm kinh doanh, góp phần kéo chỉ số sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam giảm xuống 45,6% vào năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của dự án Global Entrepreneurship Monitor (GEM), chỉ số sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam luôn ở mức cao, năm 2013 tới 56,7%, cao thứ 2 trong số 70 nền kinh tế tham gia khảo sát. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong 2 năm tiếp theo chỉ đủ sức nâng xếp hạng chỉ số này lên vị trí thứ 8 trên tổng số 60 nước vào năm 2015.

Môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam tăng 9 bậc, từ thứ 91 lên thứ 82, là một trong những  quốc gia có sự cải thiện thứ hạng tốt nhất, sau Brunei (tăng 25 bậc) và Indonesia (tăng 15 bậc), theo xếp hạng của World Bank. Thành tích này được kể đến ở hầu hết các hội nghị kinh tế trong và ngoài nước nhưng không đủ khỏa lấp nỗi sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam.

“Tham nhũng, bản quyền và thời gian làm thủ tục là 3 vấn đề lớn nhất khiến người ta ngại kinh doanh ở Việt Nam”, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016 cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là các yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là dòng vốn vào Việt Nam vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư Mỹ, EU trong khi các nhà đầu tư Nhật và Hàn Quốc đang thay nhau giữ vị trí thống lĩnh.

Vi sao doanh nghiep Viet luon so that bai?

Thận trọng với đồng vốn luôn là bản chất của các nhà đầu tư phương Tây khi đầu tư, nhất là đầu tư vào một nước đang phát triển như Việt Nam. Những chuyến khảo sát thị trường Việt Nam của doanh nghiệp Mỹ vẫn diễn ra từ đó đến nay với tần suất thưa dần. Một đoàn gồm 29 tập đoàn hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam hồi tháng 3.2017, nhưng chỉ để khảo sát quá trình cải cách của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kiến nghị những thay đổi chính sách kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam. Tính đến nay, Mỹ chưa bao giờ đứng số 1, chỉ xếp thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. 

Sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam đang tác động tiêu cực lên chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam. Chỉ số này, theo xếp hạng của World Bank, đã giảm tới 10 bậc. Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện Phát triển Doanh nghiệp, cho rằng, sợ thất bại chính là một trong những rào cản quan trọng khiến nhiều người chưa bắt tay vào khởi sự kinh doanh dù đã nhận thấy có cơ hội kinh doanh. Việt Nam, thuộc nhóm các nước phát triển dựa trên nguồn lực, nhưng tỉ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh ở mức thấp. Trong khi đó, tỉ lệ người Việt Nam tự tin về khả năng kinh doanh đang giảm đi. Năm 2015, 56,8% số người trưởng thành được hỏi ở Việt Nam tự đánh giá có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để bắt đầu kinh doanh, đã thấp hơn so với mức 58,2% của năm 2014 dù vẫn cao hơn so với mức 48,7% của năm 2013. Điều này cho thấy những nỗi lo ngại về tính cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng khốc liệt, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 Việt Nam có hai nhóm động cơ thúc đẩy các cá nhân khởi sự kinh doanh: khởi sự vì nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và khởi sự để tận dụng cơ hội kinh doanh nhằm hoàn thiện mình. Năm 2015, tỉ lệ người Việt Nam khởi sự để tận dụng cơ hội cũng chiếm đa số là 62,6% và chỉ có 37,4% người khởi sự kinh doanh vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn. Mặc dù động cơ khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu của cuộc sống vẫn chiếm thiểu số ở Việt Nam, nhưng tỉ lệ này so với các nước tham gia khảo sát là ở mức cao, đứng thứ 7 trong tổng số 60 nước tham dự. “Hơn 1/3 người Việt Nam đã khởi sự vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn”, Tiến sĩ Huân ước tính.

Vị chuyên gia của Viện Phát triển Doanh nghiệp cũng xem xét chi tiết hơn mục đích của việc tận dụng cơ hội. Theo ông, người Việt Nam khởi sự chủ yếu là để tăng thu nhập, chiếm đến 46,9%, còn để độc lập hơn chỉ là 11%. Trong khi đó, tỉ lệ này trung bình ở các nước thuộc giai đoạn I lần lượt là 26,6% và 19,6, thuộc giai đoạn II là 26,5% và 22%, thuộc giai đoạn III là 28,4% và 26,1%. Điều này cho thấy người Việt Nam tham gia vào kinh doanh đa phần để kiếm sống hoặc tận dụng cơ hội tăng thu nhập.

Theo Tiến sĩ Huân, hiện có sự khác biệt về lĩnh vực khởi sự kinh doanh ở các ngành thương mại dịch vụ theo trình độ phát triển. Ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tỉ lệ khởi sự kinh doanh trong các ngành dịch vụ luôn thấp nhất, trong khi tỉ lệ khởi sự kinh doanh trong ngành thương mại (bán buôn/bán lẻ) lại cao nhất. Thực trạng này cũng đang diễn ra ở Việt Nam, một quốc gia phát triển dựa trên nguồn lực.

Việt Nam đã cán mốc 110.000 doanh nghiệp vào năm 2016, nhưng việc đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong bối cảnh nỗi sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam đang gia tăng. Bởi theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những tác động rõ rệt nhất đến khó khăn của doanh nghiệp hầu như vẫn chưa được tháo gỡ từ năm 2011 đến nay.

Đang có nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách tác động cùng lúc đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo bà Lan, các doanh nghiệp muốn được việc phải “bôi trơn” nhưng cách làm này chỉ phần nào bớt đi một vài khó khăn cho riêng lẻ từng doanh nghiệp ở từng thời điểm nhất định, không tháo gỡ khó khăn chung của cả cộng đồng doanh nghiệp. Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, có tới 66% doanh nghiệp thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. Bên cạnh đó, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Nỗi sợ thất bại khi kinh doanh tại Việt Nam sẽ vẫn hiện hữu khi những khó khăn kéo dài của doanh nghiệp chưa xử lý được. Chuyên gia Phạm Chi Lan vẫn “tiếc” hơn 60.600 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động năm ngoái, bởi những người làm doanh nghiệp này đã khó khăn đến mức không thể chịu thêm, buộc phải ngừng hoạt động. “Không có gì đảm bảo những doanh nghiệp đăng ký mới sau một, hai năm kinh doanh vẫn không rút khỏi thị trường”, bà Lan nói.

Hải Vân