Vì sao doanh nghiệp tốt giấu lãi trước IPO?
Từ lãi lớn, DAP Vinachem lỗ mạnh, 3 tháng sau lại thoát lỗ. Biến động chóng mặt về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trước và sau khi thực hiện IPO không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ: Liệu có hay không việc DN giấu lãi?
DAP lỗ lớn do đâu?
Ngày 31/10, Công ty TNHH MTV DAP Vinachem (DAP) đấu giá 30,2 triệu cổ phần trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Theo công bố của HNX, tổng lượng đặt mua là 32,23 triệu cổ phần. Trong đó, 3 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 2,1 triệu cổ phần và 61 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 30,13 triệu cổ phần. Với lượng đặt mua như vậy, không cần chờ kết quả đấu giá cũng biết DAP sẽ bán hết cổ phần. Lượng đấu giá tương đương 20,7% cổ phần của Công ty.
Sẽ không có gì đáng nói nếu kết quả kinh doanh của DAP không biến động một cách khó hiểu. DAP là một trong những doanh nghiệp phân bón lớn nhất trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với sản phẩm chính là phân bón DAP mang thương hiệu DAP Đình Vũ, công suất 330.000 tấn/năm. Năm 2011 và 2012, DAP đạt lợi nhuận lần lượt là 329 và 291 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2013, lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 256 triệu đồng và nửa đầu năm 2014 lỗ 114 tỷ đồng.
Trong bản công bố thông tin, lãnh đạo DN này lý giải nguyên nhân lãi hẻo năm 2013 do lượng phân bón DAP nhập khẩu từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, Doanh nghiệp phải giảm giá bán, lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh khiến doanh thu thuần giảm 34,5% so với năm 2012, trong khi giá đầu vào tăng, các chi phí khác chưa giảm.
6 tháng đầu năm nay, trước thời điểm DAP thực hiện IPO, lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh phân bón lỗ tới 1.617 tỷ đồng. Nguyên nhân tiếp tục được lãnh đạo Doanh nghiệp lý giải là do giá nguyên vật liệu như quặng apatit, lưu huỳnh, amoniac, giá xăng dầu, điện nước tăng… Tuy nhiên, nếu xem xét lại biến động giá các nguyên vật liệu trên từ đầu năm tới nay, có những mặt hàng như lưu huỳnh giảm mạnh, giá xăng dầu giảm, quặng apatit tốc độ tăng giá không mạnh như năm ngoái…
Chi phí nguyên vật liệu chiếm 85,3% giá thành sản xuất sản phẩm và chiếm 81% tổng chi phí theo yếu tố của Công ty. Nhưng cũng cần lưu ý một điều là các nguyên nhiên vật liệu chính dùng cho sản xuất của DAP bao gồm quặng apatit, than, nước, dầu vỏ điều, dầu FO, vỏ bao bì… chủ yếu là những nguyên nhiên vật liệu có sẵn trong nước không phải nhập khẩu. Phần lớn nhà cung cấp nguyên vật liệu chính của Công ty đều thuộc dạng chỉ định thầu, trong đó 2 nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất là Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Đạm Ninh Bình đều thuộc họ Vinachem với DAP, cam kết có chế độ ưu đãi cho nhau…
Lỗ lớn 6 tháng đầu năm, song đến thời điểm này, sau khi thực hiện xong IPO, DAP đã thoát lỗ. Theo chia sẻ của một nhà đầu tư lớn bỏ vốn vào đây, hiện doanh nghiệp đã có lãi trở lại. Nhìn nhận về trường hợp này, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, thị trường không có thay đổi lớn, vậy tại sao hoạt động Doanh nghiệp lại có chuyển biến nhanh như vậy trong khoảng thời gian rất ngắn?
Vì sao doanh nghiệp giấu lãi?
Không chỉ có DAP, giới phân tích chứng khoán còn băn khoăn về trường hợp của CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), một đơn vị thành viên khác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Trước khi IPO vào giữa năm 2009, LAS báo lãi rất khiêm tốn, cụ thể doanh nghiệp đạt 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2008. Năm 2009, LAS đạt lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành 2 đợt đấu giá cổ phần ra bên ngoài, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng rất mạnh, đạt 287 tỷ đồng vào năm 2010; 316 tỷ đồng vào năm 2011; 394 tỷ đồng vào năm 2012; và 446 tỷ đồng vào năm 2013.
Phụ trách tư vấn một CTCK cho rằng, có không ít DNNN hoạt động hiệu quả, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai nhưng chỉ đưa ra mức lãi khiêm tốn, hoặc thậm chí lỗ trước IPO để cổ phiếu được định giá ở mức thấp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người trong doanh nghiệp mua vào.
Phó tổng giám đốc một CTCK khác, hiện đang tư vấn cổ phần hóa cho nhiều DNNN cho hay, khi làm việc với một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bản thân CTCK muốn thu hút thật nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào đợt IPO của doanh nghiệp, muốn cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp không mặn mà với việc này, họ cũng thể hiện rõ quan điểm không muốn bán cổ phần với giá cao vì bao nhiêu cổ phần bán ra, người trong công ty đã “ôm” hết.
Đề cập đến số lượng 432 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cho đến hết năm 2015, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, để hạn chế tình trạng cổ phần hóa khép kín và thất thoát tài sản nhà nước, nên chăng công khai danh sách những doanh nghiệp này. Làm vậy, nhà đầu tư có thêm thông tin về các cơ hội, đồng thời công chúng cũng có thể tham gia giám sát được những trường hợp đáng ngờ.
Nguồn Đầu tư chứng khoán