Thứ Hai | 12/05/2014 14:18

Vì sao dân vẫn chọn gửi tiền ngân hàng?

Chứng khoán nhiều rủi ro, bất động sản chưa có nhiều sản phẩm hợp túi tiền, giá vàng lên xuống là lý do tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng.
Chứng khoán nhiều rủi ro, bất động sản chưa có nhiều sản phẩm hợp túi tiền, giá vàng lên xuống liên tục, tỉ giá ổn định… là lý do tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng làm bến đỗ, bất chấp lãi suất huy động giảm.

Dân chuyển USD sang VND

Số liệu vừa được vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra cho thấy, huy động vốn toàn ngành ngân hàng tiếp tục tăng so với đầu năm. Cụ thể, tính đến ngày 22.4, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%. Huy động vốn bằng VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 7,48%) trong điều kiện mặt bằng lãi suất tiền gửi VND giảm, cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.

Nhiều ngân hàng như Eximbank, Sacombank, NamA Bank đạt mức tăng trưởng huy động khả quan trong 3 tháng đầu năm nay trên dưới 10%.

Đồng thời, tăng trưởng huy động vốn bằng VND cao trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm, được xem là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, và cho thấy người dân đang chuyển USD sang VND.
Tiền đọng ở ngân hàng

Tín dụng sau khi giảm 2 tháng đầu năm 2014, theo tính quy luật những năm gần đây, đã có cải thiện từ tháng 3. Tuy nhiên, số liệu vụ Chính sách tiền tệ đưa ra cho thấy, đến ngày 22.4, tín dụng toàn ngành ngân hàng cũng chỉ tăng 0,62% so với cuối năm 2013, là mức tăng rất thấp so với huy động.

Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán. Theo vụ Chính sách tiền tệ, 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán. Vì thế, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn từ ngân hàng Nhà nước không nhiều.

Chính thanh khoản khả quan giúp lãi suất diễn biến tích cực và đường cong lãi suất cũng được hình thành trở lại. Cụ thể, lãi suất huy động vốn của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.

Vốn huy động dài ngày tăng dần so với trước đây khi xu hướng người dân chọn gửi tiết kiệm dài ngày nhiều hơn.

Chảy vào trái phiếu chính phủ

Sức hấp thu vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu dù các ngân hàng thương mại đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi. Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu chính phủ phát hành (số liệu đến ngày 28.3.2014, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành khoảng 81.600 tỉ đồng).

Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, trong điều kiện các tổ chức tín dụng chưa thể mở rộng tín dụng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thì việc tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu các ngân hàng dồn tiền quá nhiều vào việc mua trái phiếu chính phủ thì không đúng chức năng của các ngân hàng thương mại. Họ đúng ra phải dùng tiền huy động trong dân chúng để cho vay ra.

Nếu giờ ngân hàng huy động vốn của dân chúng để mua trái phiếu chính phủ, thì không hợp với chức năng truyền thống của ngân hàng là cho vay.
Ánh sáng cuối đường hầm?

Việc các ngân hàng đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ, trong khi vốn huy động từ trái phiếu này bị ứ đọng, chưa giải ngân được sẽ tạo ra nguy cơ tiền chỉ chạy lòng vòng mà không ra được nền kinh tế.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn khơi thông được dòng chảy tín dụng lúc này không dễ như kỳ vọng, do sức mua yếu, cầu vốn giảm. Hiện một số doanh nghiệp không muốn đầu tư, sản xuất mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất.
Một vấn đề khác cũng có thể nhìn thấy được hiện nay là doanh nghiệp chưa muốn mở rộng thị trường, mà chỉ cần vốn lưu động để khai thác những gì đang có nên cầu vốn vay không tăng, cho dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với trước.

Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng thương mại hiện nay là đầu ra của đồng vốn khó khăn, trong khi không thể ngưng hoạt động huy động, dù thanh khoản dôi dư. Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn đánh giá, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều so với trước và đồng vốn ngân hàng đưa ra thị trường cũng ngày một nhiều hơn, song cầu về vốn của doanh nhiệp vẫn khó tăng trước tình hình sức mua và tồn kho chưa được cải thiện nhiều. Nợ xấu vẫn là mối lo trong tăng trưởng tín dụng…

Căn bệnh khó chữa

TS Trần Du Lịch, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu vốn là căn bệnh khó chữa. Hiện có 3 loại hình doanh nghiệp. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp hoạt động tốt, tài chính lành mạnh, được ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất khá thấp, nhưng khả năng đầu tư, mở rộng sản xuất… còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Đặc biệt là khi sức mua chưa được cải thiện nhiều và tồn kho vẫn là mối lo hiện nay, nên các doanh nghiệp này không có nhu cầu sử dụng vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang cố gắng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong các doanh nghiệp thuộc nhóm này cũng có một số đang cố gắng để phục hồi hoạt động và có thể tiếp cận được vốn vay, vì nợ xấu không nhiều, nhưng lại gặp khó khăn về thị trường do biến động thời gian qua. Thành ra, việc các doanh nghiệp có vay vốn và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng khá chậm. Mặt khác, một phần trong số này cũng có nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp đang vướng nợ xấu quá nhiều và không có điều kiện để xử lý, cũng như không nhìn thấy được triển vọng phát triển trong tương lai, thì đa số không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng để có thể khôi phục hoạt động. Bởi trước tình hình khó khăn hiện nay, rủi ro nợ xấu gia tăng buộc các ngân hàng phải thận trọng và sàng lọc kỹ khách hàng trước khi trao vốn.

Vì thế, vấn đề là lãi suất không còn là yếu tố quyết định trong vay vốn của doanh nghiệp lúc này. Mặt bằng lãi suất cũng đã được điều chỉnh giảm dần xuống mức phù hợp. Vả lại, lãi suất còn liên quan đến lạm phát kỳ vọng năm nay khoảng 6%. Do vậy, khả năng lãi suất huy động khó giảm thêm so với trần 6% hiện nay. Còn đối với lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng đã phân chia nhiều loại, trong đó các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 nhiều ngân hàng còn cho vay với lãi suất như lãi suất huy động. Ngược lại, với những khách hàng có rủi ro cao thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ được áp dụng cao hơn để bù đắp rủi ro.

Nguồn Một Thế Giới


Sự kiện