Ngọc Thủy Thứ Hai | 27/02/2017 12:30

Vì sao Daiwa và SSIAM lại "cưng" Con Cưng?

Tuy chuỗi cửa hàng Con Cưng mới ra đời từ năm 2011 nhưng đã có tốc độ phát triển đáng chú ý.

Hệ thống siêu thị Con Cưng (Công ty Cổ phần Con Cưng) dành riêng cho mẹ và bé vừa nhận được vốn rót từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Daiwa và SSIAM cùng quản lý. Được biết, Daiwa- SSIAM II thường dành 4-6 triệu USD cho mỗi khoản đầu tư. Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa đối với Con Cưng cũng như đối với các đơn vị cùng ngành.

Trước đó, Con Cưng từng được Seedcom rót vốn nhưng không mạnh tay vì thời điểm đó Con Cưng mới định hình, không đặt kỳ vọng đến doanh thu, lợi nhuận. Chính vì thế, bức tranh kinh doanh ngành bán lẻ sản phẩm cho mẹ và bé dự báo sẽ có những thay đổi đáng kể, với cơ hội bứt phá từ thương vụ của Daiwa- SSIAM II.

Thực tế, tuy Con Cưng mới ra đời từ năm 2011 nhưng đã có tốc độ phát triển đáng chú ý. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống này mở được 100 cửa hàng, ngang ngửa với số cửa hàng của Bibo Mart (101 cửa hàng) và vượt trội so với số cửa hàng của Kids Plaza (72). Hệ thống Con Cưng cũng đã chiếm lĩnh thị trường TP.HCM nhờ vào chiến lược dồn lực đầu tư, với trên một nửa tổng cửa hàng đặt tại đây.

Tuy nhiên, ngôi vị dẫn đầu thị trường phía Nam của Con Cưng có nguy cơ bị đe dọa khi Kids Plaza, Bibo Mart đều cùng “Nam tiến”. Chỉ trong năm 2015-2016, cả hai đã liên tục mở nhiều cửa hàng ở TP.HCM. Đến nay, Bibo Mart đã phát triển được 40 cửa hàng, còn ở Kids Plaza là 17. Đó là chưa tính đến sự tăng tốc của những đơn vị bán lẻ khác như Shoptretho cùng sự gia tăng của những hình thức bán hàng qua trang thương mại điện tử, qua tổng đài, diễn đàn…  Tất cả đều chạy đua với mục đích giành phần ngon từ miếng bánh thị trường sản phẩm cho trẻ em, có thể đạt tới 5 tỉ USD trong tương lai gần (theo Công ty Nghiên cứu thị trường  FTA).

Trong bối cảnh đó, muốn giữ vững vị thế, Con Cưng cần lớn mạnh hơn nữa. Nhưng để không hụt hơi trong chặng đường vươn tới quy mô cửa hàng gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp bốn lần hiện tại, hệ thống này cần có thêm nguồn tài chính mạnh. Chính vì thế, những người đứng đầu ở Con Cưng đã quyết định mở cửa để Daiwa-SSIAM tham gia sở hữu cổ phần ở Công ty. Chiến lược của Con Cưng còn là làm sao trước năm 2020 có thể tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Vi sao Daiwa va SSIAM lai
 

Theo thông tin từ SSIAM, tổ chức này sẽ giúp Con Cưng không chỉ trong thương vụ hiện tại mà còn có những những cam kết hỗ trợ về quản trị, kết nối để tiếp cận được nhiều tổ chức quốc tế khác. Như vậy, về mặt tiềm lực, Con Cưng cơ bản đã được dọn đường và nhận được hậu thuẫn, vấn đề còn lại là nhanh chóng đạt tới quy mô cửa hàng như mong đợi trong 1-2 năm tới.

Tuy nhiên, bành trướng số lượng cửa hàng theo cấp số nhân cũng là mục tiêu đeo đuổi của hầu hết các nhà bán lẻ, từ nhà bán lẻ nước ngoài như 7 Eleven, Shop&Go, Lotte, Circle K, B’s Mart, Miniso... đến các doanh nghiệp trong nước như Vingroup, Thegioididong, FPT, Satra, Saigon Co.op… Vì thế, mục tiêu mở chuỗi cửa hàng ồ ạt của Con Cưng dự báo sẽ càng lúc càng khó khăn. Ngoài hơn 20 hệ thống cửa hàng với nhiều điểm chuyên kinh doanh các sản phẩm dành cho bà mẹ và trẻ em, các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Citimart, Maximark… cũng phát triển khu vực dành riêng cho mẹ và bé. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài, nổi bật là siêu thị Nhật Soc&Brothers khi đã mở tới siêu thị thứ 5 tập trung hầu hết tại các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam.

Ngay cả khi đã phát triển được số lượng cửa hàng như đề ra, Con Cưng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức đến từ bài toán tổ chức và vận hành, quản trị tài chính, quản lý bán hàng, quản lý hàng hóa và chăm sóc khách hàng. Càng phình to, càng nhiều chi phí và khó đảm bảo khả năng kiểm soát. Celine Pannuti, chuyên gia phân tích của JP Morgan, từng cảnh báo rằng:  “Trong quá khứ, quy mô là một lợi thế nhưng bây giờ, quy mô có thể là trở ngại trên bước đường đi tới thành công”.

Vi sao Daiwa va SSIAM lai
Chỉ trong thời gian ngắn, Con Cưng đã mở được 100 cửa hàng. Ảnh: Sơn Phạm

Mặt trái của việc mở rộng quy mô và doanh thu thường là phải hy sinh lợi nhuận. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ chấp nhận biên lợi nhuận thấp, bán hàng với giá sát giá vốn để thu hút khách hàng. Trên thực tế, để nổi bật về thương hiệu, tạo sự khác biệt và lôi kéo người tiêu dùng, các nhà bán lẻ ngoài phải đầu tư nhiều cho ý tưởng mới lạ cũng như tăng cường marketing. Chẳng hạn, những chương trình khuyến mãi sâu (giảm 50-60%), những lớp học miễn phí tiền sản/hậu sản cho khách hàng đều ngốn của Kids Plaza, Bibo Mart không ít tiền. Hay việc Con Cưng tổ chức thêm không gian trải nghiệm cho khách hàng trong từng cửa hàng chắc chắn đã làm phát sinh thêm chi phí.

Sự phá sản, tụt lại của không ít nhà bán lẻ đã cho thấy, tiềm lực tài chính thôi chưa đủ. Hơn thua trong ngành bán lẻ tiêu dùng vẫn là khả năng am tường tâm lý khách hàng, sáng tạo ra ý tưởng để tạo ra khác biệt, để đạt tới sự chu đáo và thỏa mãn đòi hỏi của người tiêu dùng.

Có thể vì lý do này mà khi xem xét đầu tư, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc SSIAM, cho biết, chất lượng đội ngũ sáng lập là yếu tố trọng yếu. So với các đối thủ, Con Cưng được điều hành bởi những gương mặt đặc biệt hơn. Chẳng hạn, hai thành viên sáng lập Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến đều là kỹ sư công nghệ. Nếu ông Minh có bằng tiến sĩ về Computer Science tại Đại học Georgia Tech (Mỹ), thì ông Tiến từng là đội trưởng đội Robocon Việt Nam đạt giải nhất tại Asia Pacific Robotics Contest năm 2005. Họ trẻ, tài năng và theo đánh giá của ông Nguyễn Phan Dũng “rất dày dạn, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và vận hành chuỗi bán lẻ”. SSIAM trông đợi chính yếu tố chuyên môn, giỏi giang của những người đứng đầu ở Con Cưng sẽ giúp công ty này đạt tới tầm vóc mới  

Ngọc Thủy