Vì sao cổ phiếu May Việt Tiến cháy hàng?
Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến vừa đưa 28 triệu cổ phiếu VGG của mình giao dịch trên sàn UPCoM. Mức giá cổ phiếu VGG khi chào sân là 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên (10.3), VGG đã được tranh mua với giá trần và không có dư bán. Ở ngày tiếp theo, VGG vẫn tiếp tục cháy hàng.
Sở dĩ nhà đầu tư chú ý đến cổ phiếu của May Việt Tiến vì đây là công ty dẫn đầu về ngành may mặc Việt Nam. Kết thúc năm 2015, May Việt Tiến ghi nhận doanh thu hơn 6.400 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỉ đồng, lần lượt tăng khoảng 17% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này vượt trội so với nhiều công ty may mặc trên sàn.
May Việt Tiến cũng là một trong số khá ít doanh nghiệp may Việt Nam có khả năng tạo chuỗi khép kín sản phẩm may mặc cho thị trường nội địa, với những thương hiệu San Sciaro, Manhattan, TT-Up dành cho người có thu nhập cao. Trong đó, San Sciaro và Manhattan là 2 thương hiệu thời trang đến từ Ý và Mỹ, được May Việt Tiến mua quyền khai thác, sử dụng.
Riêng nhãn hàng Việt Tiến, Việt Tiến Smartcasual dành cho người có thu nhập trung bình khá. Còn Việt Long là thương hiệu dành cho người thu nhập thấp đang chiếm số đông. Các thương hiệu này trở nên quen thuộc do Công ty tổ chức được mạng lưới phân phối trải dài khắp các tỉnh thành, với hơn 1.300 điểm bán trên cả 3 kênh: cửa hàng riêng biệt, đại lý và trung tâm thương mại.
Nhờ triển khai kinh doanh bài bản này, May Việt Tiến tuy không công bố con số thị phần nội địa nhưng có cho biết, thị trường trong nước đã giúp Công ty đạt mức tăng trưởng trung bình 40% nhiều năm qua. Đây là con số khá ấn tượng, nhất là khi đặt trong bối cảnh hàng may mặc Việt Nam bị lép vế so với hàng Trung Quốc và các nước khác.
Trên thực tế, doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang khá vất vả tìm chỗ đứng ngay trên sân nhà. Bằng chứng là dù có tới hàng ngàn công ty may mặc nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 40-45% doanh thu thị trường nội địa, tức khoảng trên dưới 3 tỉ USD, theo Bộ Công Thương.
Các công ty may đều tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Theo báo cáo công bố thông tin, May Việt Tiến đang xuất đi trên 30 quốc gia. Trong đó, Mỹ, Nhật và châu Âu là 3 thị trường chính, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này.
Điểm mạnh của May Việt Tiến còn là việc tham gia vào hầu hết các phương thức sản xuất may mặc. Ngoài gia công các loại quần áo may sẵn, May Việt Tiến chủ yếu thực hiện các hợp đồng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu). Đặc biệt, những hình thức sản xuất tạo giá trị gia tăng cao như ODM (tự thiết kế) và OBM (tự phát triển thương hiệu) cũng được doanh nghiệp này triển khai. Trong đó, May Việt Tiến hướng đến mục tiêu hàng ODM chiếm tỉ trọng khoảng 5-7% tổng doanh thu.
Xét về triển vọng, dệt may được đánh giá là ngành hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi TPP có hiệu lực (dự kiến năm 2017), thuế suất xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ và các nước trong khối sẽ được gỡ bỏ. Như vậy, May Việt Tiến và các công ty dệt may xuất khẩu khác sẽ không phải chịu thuế suất 17,5% khi đưa hàng vào Mỹ như hiện nay.
Nhưng để hưởng lợi thế này, May Việt Tiến phải gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong tiêu thụ nguyên phụ liệu. Điểm thuận lợi là Công ty thuộc thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nên sẽ được Vinatex hỗ trợ nguồn cung nguyên phụ liệu như bông sợi. Nhờ đó, May Việt Tiến có thể nâng tỉ lệ nguyên phụ liệu mua từ trong nước lên 30-35% như kế hoạch, để tận dụng các cơ hội hưởng ưu đãi thuế khi hiệp định thương mại có hiệu lực.
Lâu dài hơn, chiến lược đầu tư lên “thượng nguồn” của May Việt Tiến, tức cách thức để Công ty làm chủ được ít nhất 40-50% nguyên liệu của mình, thông qua liên doanh liên kết cũng được Công ty Chứng khoán MBS đánh giá là hợp với xu hướng phát triển của ngành dệt may trong những năm tới.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex, đây sẽ là chiến lược có thể giúp May Việt Tiến duy trì tăng trưởng, đạt tỉ suất lợi nhuận và trả cổ tức thường niên cao. Những năm qua, cổ tức của Công ty thường trong mức 30%. Năm 2016, May Việt Tiến dự kiến sẽ trả cổ tức ở mức tối thiểu 20% tính trên mệnh giá.
Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của Công ty trong năm 2016 lại khá thận trọng, với doanh thu dự kiến chỉ tăng 5%, còn lợi nhuận sau thuế giảm gần 15% so với năm 2015.
Một số chỉ tiêu tài chính năm 2015 của các công ty dệt may trên sàn chứng khoán |
Theo lãnh đạo May Việt Tiến, đây là kế hoạch dựa trên các chi phí dự kiến sẽ tăng trong năm 2016 và 2017, khi các quy định mới về bảo hiểm theo hướng gia tăng và tác động đến kinh doanh của May Việt Tiến. Với đặc thù là ngành thâm dụng lao động, Công ty ước lượng các chi phí này sẽ tăng gần gấp đôi, lên khoảng 50 tỉ đồng. Lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng thêm 13% cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí ở May Việt Tiến.
Tình hình kinh doanh của May Việt Tiến có thể còn chịu tác động bởi những yếu tố như giá nguyên phụ liệu tăng. Năm 2015, giá nguyên phụ liệu tăng gần 28%, khiến biên lợi nhuận gộp giảm và tăng trưởng lợi nhuận của Công ty trong năm qua đã không tương xứng với doanh thu.
Trong nội dung tư vấn, Công ty Chứng khoán ACBS cũng lưu ý nhà đầu tư về việc May Việt Tiến mới chuyển đổi 1,4 triệu trái phiếu thành 14 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 2. Đây là trái phiếu mà May Việt Tiến đã phát hành từ năm 2012. Với việc chuyển đổi, vốn điều lệ của công ty này đã là 420 tỉ đồng chứ không phải 280 tỉ đồng. May Việt Tiến sẽ thực hiện đăng ký bổ sung toàn bộ lượng cổ phiếu chuyển đổi giao dịch trên sàn UPCoM. Kéo theo đó, nói như ACBS, hệ số EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) của May Việt Tiến trong năm 2016 sẽ bị giảm đáng kể. Đó là chưa kể, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu, tức chỉ bằng 1/5 thị giá hiện nay, áp lực chốt lời từ lượng cổ phiếu chuyển đổi này là rất lớn.
Một lưu ý cho nhà đầu tư là cơ cấu cổ đông ở May Việt Tiến khá cô đặc, với 72% vốn trong tay 3 cổ đông lớn: Vinatex (47,88%), South Island Gament SDN BHD (Malaysia, 14,16%) và Tungshing Sewing Machine Co., Ltd (Hồng Kông, sở hữu 9,94%). Với cơ cấu cổ đông này, việc mua bán cổ phiếu của May Việt Tiến trên sàn sẽ khó có thể sôi động. Chỉ 9.000 cổ phiếu VGG được chuyển nhượng trong phiên đầu tiên là một ví dụ.
Thủy Ngọc