Sơn Phạm
Vì sao CII vẫn thích BOT?
Những ngày gần đây, dư luận nóng lên xung quanh câu chuyện tính hợp lý của các dự án BOT (Xây dựng - vận hành - chuyển giao). Thanh tra Chính phủ đã tiến hành điều tra 6 dự án BOT lớn, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của các chủ đầu tư. Hai trong số đó là các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu II do Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư. Giữa cơn bão chất vấn về BOT, nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất TP.HCM này vừa trình kế hoạch tăng vốn lên đến 57,2% đến các cổ đông.
Theo tài liệu gửi đến cổ đông, CII dự định huy động khoảng 2.300 tỉ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu 123 triệu cổ phiếu và phát hành cho đối tác chiến lược là quỹ Rhinos Asset Management hơn 17 triệu cổ phiếu. Mục đích tăng vốn lần này là để tăng vốn đối ứng từ Công ty khi CII dự định sẽ tập trung đầu tư vào các dự án cần rất nhiều vốn trong tương lai, đó là các siêu dự án BOT trên 10.000 tỉ đồng và phát triển bất động sản ở Thủ Thiêm.
BOT còn hấp dẫn
Các dự án BOT được triển khai theo lời kêu gọi các tổ chức tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Nhà nước. Trong đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó vận hành thu phí trong một khoảng thời gian nhằm thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý rồi chuyển giao lại cho Nhà nước. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng, hiện nay, để đảm bảo khả năng hoàn vốn, các chủ đầu tư được cho phép mức lợi nhuận 11,5%, là tỉ suất sinh lợi nội bộ đối với vốn chủ sở hữu.
Trong thời gian qua, một số dự án BOT bị dư luận phản ứng gay gắt như BOT Cai Lậy, BOT tuyến tránh Biên Hòa... Điểm chung của các dự án này là đặt trạm thu phí ở xa con đường được xây dựng, thu phí cả con đường không xây dẫn đến việc người tham gia giao thông không có sự lựa chọn. Ngoài ra, chủ đầu tư còn áp dụng mức thu phí quá cao nhằm rút ngắn thời gian hoàn vốn quá mức cho phép, mà ở dự án BOT Trung Lương là 6 năm so với 10-15 năm như thông lệ.
Lý giải cho vấn đề này là suất sinh lời thấp, cộng với rủi ro trong quá trình thu phí giao thông đã khiến nhà đầu tư khi nhận các dự án tìm mọi cách để hoàn vốn một cách nhanh nhất. Hay như Công ty Cổ phần TASCO, một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực BOT, đã tuyên bố dừng cuộc chơi khi suất sinh lời dự án chỉ thấp khoảng 11,5% như hiện nay.
Trong khi đó, CII vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào BOT. Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, vấn đề nằm ở việc lựa chọn dự án đầu tư. Theo đó, CII sẽ vẫn đầu tư mạnh trong lĩnh vực BOT hạ tầng, nhưng chỉ chọn những dự án lớn, có mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng như dự án Đường trên cao số 1 có vốn đầu tư khoảng 21.500 tỉ đồng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 10.000 tỉ đồng. Với những dự án này, CII kỳ vọng đạt được suất sinh lợi ít nhất 15%, trong đó bao gồm 11,5% chính thức được cho phép, phần còn lại đến từ lợi nhuận xây dựng và một số lợi nhuận tài chính khác.
Ông Bình cũng chia sẻ, CII tự tin theo đuổi các siêu dự án BOT vì sân chơi này giới hạn người chơi. Nhà đầu tư trong nước phần lớn bị hạn chế về kinh nghiệm và năng lực tài chính, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại có rất nhiều yêu cầu dẫn đến đòi hỏi suất sinh lợi quá cao, thậm chí đến 20%. Đây cũng là lý do CII huy động vốn lớn lần này, nhằm tăng vốn điều lệ để có thể đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án lớn mà Công ty sẽ tham gia trong thời gian tới.
Ngoài ra, thế mạnh về các công cụ tài chính, đặc biệt là trái phiếu, cũng là một nguyên nhân khiến các dự án BOT hấp dẫn trong mắt CII. Bởi vì theo ông Bình, những đợt phát hành trái phiếu thành công vừa qua, đặc biệt là 200 tỉ đồng trái phiếu đảm bảo giao dịch vào giữa năm 2017, đã phần nào chứng minh khả năng huy động vốn qua kênh trái phiếu của Công ty. Vì vậy, trong tương lai, nguồn thu phí từ các dự án BOT có thể được dùng làm tài sản đảm bảo để Công ty phát hành trái phiếu, từ đó hưởng chênh lệch lãi suất. Theo tính toán của một chuyên gia phân tích thuộc một công ty chứng khoán lớn ở TP.HCM (không muốn nêu tên), CII có thể tiết kiệm được khoảng 2%, là mức chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu với lãi vay ngân hàng.
Cần minh bạch
Một vấn đề khác mà dư luận chất vấn là tính minh bạch của các dự án BOT khi có nhiều dự án chỉ định thầu, với lập luận các nhà thầu được chỉ định thiếu năng lực, không cạnh tranh về giá dẫn đến đội vốn đầu tư. CII cũng không phải ngoại lệ khi đã có một danh sách những dự án được chỉ định làm nhà thầu, trong đó có dự án Xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, cần phân biệt động cơ chỉ định thầu và bối cảnh của quyết định đó. Như trong trường hợp của Xa lộ Hà Nội mà ông Bình đã chia sẻ là khi ấy Ủy ban Nhân dân TP.HCM giao cho CII làm, đơn giản bởi vì không có nhà đầu tư nào đứng ra đảm nhiệm.
Còn bây giờ, khi cơ chế cho BOT đã đầy đủ và rõ ràng, nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào lĩnh vực này, thì tính minh bạch, thể hiện bằng việc đấu thầu dự án là cần thiết. Ông Bình cũng ủng hộ cơ chế đấu thầu trong các dự án mà Công ty dự định tham gia, như dự án Đường trên cao số 1 (là 1 trong 6 đường trên cao TP.HCM dự định xây dựng). Theo đó, đấu thầu công khai sẽ làm tăng tính minh bạch cho dự án và tránh dư luận cũng như những điều tra không cần thiết.
Thanh Hằng