Vì sao CIC bị "chê"?
Vào một ngày đẹp trời, nếu ngân hàng từ chối cho bạn vay, thì có lẽ là do lịch sử tín dụng của bạn không tốt cho lắm. Bây giờ, chỉ với một thao tác đơn giản, nhân viên tín dụng ngân hàng hay công ty tài chính tiêu dùng sẽ nhanh chóng biết được thông tin cá nhân và lịch sử vay mượn của khách hàng với các tổ chức tín dụng khác. Nhưng cũng đừng quá lo lắng, bởi nếu không đủ điều kiện vay ngân hàng, bạn cũng có thể vay ở các quỹ tín dụng nhân dân hay những tổ chức tài chính vi mô cho những khoản vay không quá lớn. Lý do là vì những tổ chức này vẫn chưa hoàn toàn kết nối với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC).
CIC là mô hình trung tâm chấm điểm tín dụng tập trung thuộc sở hữu Nhà nước. Dữ liệu khách hàng của CIC được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Dựa trên những báo cáo khoản vay của các tổ chức này, CIC đánh giá và cung cấp báo cáo rủi ro cho những tổ chức tín dụng có nhu cầu.
Rõ ràng, tầm quan trọng của CIC là không thể phủ nhận. Trung tâm này đã giúp các tổ chức tín dụng tránh được rất nhiều rủi ro khi xem xét cho vay, chẳng hạn liệu khách hàng có vay tiền nhiều bên hay thế chấp tài sản nhiều chỗ hay không, lịch sử trả nợ thế nào, điểm tín dụng là bao nhiêu... Từ đó, các tổ chức tín dụng có thể từ chối cho vay, hoặc tính toán và đưa ra mức lãi suất phù hợp với mức độ rủi ro.
Nếu phân hệ thống tổ chức tín dụng thành 2 tầng dựa vào quy mô khoản vay lớn và nhỏ, thì nhóm có quy mô khoản vay lớn (gồm các ngân hàng và công ty tài chính) tham gia đầy đủ và nhiệt tình trong cuộc chơi của CIC. Ngược lại, nhóm quy mô khoản vay nhỏ (gồm các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) thì dường như lại chưa mặn mà trong cả hoạt động khai thác thông tin lẫn việc cung cấp thông tin cho CIC.
Trong báo cáo của CIC về hoạt động khai thác thông tin của các địa phương miền Đông và Tây Nam Bộ, có lẽ Quỹ Tín dụng Nhân dân Nam Sông Hậu (Cần Thơ) là truy cập đến CIC nhiệt tình nhất (994 lần khai thác thông tin, tính cả năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015). Cần Thơ cũng là nơi có số quỹ tín dụng khai thác CIC nhiều nhất trong số các địa phương. Còn phần đông các địa phương khác lại tỏ ra khá thờ ơ. Chẳng hạn như Đồng Tháp có tới 17 quỹ tín dụng, nhưng không có quỹ nào cần đến báo cáo thông tin của CIC.
Tính tổng thể, hiện tại chỉ có 89/1.174 quỹ tín dụng có đăng ký mua báo cáo từ CIC. Trong khi đó, tình hình còn tệ hơn đối với các tổ chức tài chính vi mô khi loại hình tín dụng này thậm chí còn chưa hề khai thác thông tin từ CIC.
Tất nhiên, chuyện khai thác thông tin từ CIC là tự nguyện của mỗi tổ chức tín dụng. Nhưng chuyện báo cáo thông tin khoản vay cho CIC lại là nghĩa vụ bắt buộc. Dù vậy, các tổ chức này hiện vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin.Hiện nay, hệ thống CIC chỉ mới cập nhật được thông tin của 130.000 khoản vay trên tổng số hơn 5 triệu khách hàng của các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Vì sao các tổ chức này lại chưa chuộng CIC? Theo phát biểu của đại diện Quỹ tín dụng Tín Hưng tại hội thảo “Báo cáo tín dụng tài chính vi mô” do CIC và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức vào ngày 22.5 vừa qua, một trong những lý do khiến cho các tổ chức tài chính vi mô không tham gia tra cứu thông tin là vì giá các báo cáo chưa hợp lý. Trước đây, giá áp dụng cho các báo cáo tín dụng cá nhân cơ bản là 30.000 đồng/báo cáo cá nhân.
Theo vị này, những khoản vay của họ thường có giá trị nhỏ, đôi khi chỉ vài triệu, nên giá trị của một bản báo cáo như vậy là lớn. Hơn nữa, đặc thù của ngành tài chính vi mô là số lượng những khoản vay rất lớn, thậm chí trong một tháng có thể phát sinh thêm vài trăm thành viên. Một nhân viên tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân ở Bình Phước cho biết, trong một năm anh có thể ký đến 900 hồ sơ. Vì vậy, chi phí mua báo cáo sẽ nhiều hơn so với các tổ chức tín dụng khác một cách tương đối, vì quy mô tài sản nhỏ hơn nhiều.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC cho rằng việc các tổ chức này không khai thác thông tin là bỏ qua quyền lợi của chính mình. Với đặc thù của những khoản vay có giá trị nhỏ này, khách hàng ở các quỹ tín dụng và tổ chức tài chính vi mô có mức độ rủi ro rất cao.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC - Ảnh: Việt Dũng |
Rủi ro thường gặp ở đây chính là việc một cá nhân có nhiều khoản vay khác nhau. Trường hợp này rất phổ biến. Báo cáo của CIC (dựa trên những tổ chức đã báo cáo) cho biết trên thực tế, có đến hơn 60% khách hàng của các quỹ tín dụng đều đi vay ở các tổ chức tín dụng khác (chủ yếu là ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và các công ty tài chính tiêu dùng). Tương tự, tỉ lệ này ở các tổ chức tài chính vi mô cũng hơn 48%.
Mặt khác, những người đi vay vốn nhỏ thường là những người không có bất kỳ tài sản thế chấp. Họ lại là nhóm người “dễ bị tổn thương” khi thu nhập chưa ổn định nên về cơ bản, rủi ro về khả năng trả nợ cũng sẽ cao hơn. Do đó, nếu khai thác thông tin từ CIC, các tổ chức này sẽ dễ dàng kiểm soát rủi ro ngay từ đầu.
Liên quan đến vấn đề chi phí, từ trước đến nay, CIC luôn khuyến khích các quỹ và tổ chức tài chính vi mô khai thác thông tin bằng cách giảm giá sản phẩm. Từ tháng 5.2013, CIC đã giảm giá 25%. Năm 2014, Trung tâm không thu phí thường niên và từ tháng 5.2015, họ tiếp tục giảm giá 50%. CIC hiện cũng không thu tiền nếu báo cáo không có thông tin (tức không xác định được khách hàng đã vay ở đâu). Ông Phong, CIC, hy vọng sau đợt giảm giá này, các tổ chức tín dụng này sẽ quan tâm nhiều hơn đến Trung tâm.
Thật ra, chuyện phát triển trung tâm thông tin cho các loại hình tài chính vi mô này còn khá mới trên thế giới. Như trường hợp Ấn Độ, một quốc gia có phần đông dân số thuộc diện thu nhập thấp như Việt Nam. Mãi đến cuối năm 2010, ngành tài chính vi mô ở quốc gia này mới thành lập trung tâm thông tin tín dụng riêng. Đến nay, Ấn Độ có cơ sở dữ liệu về tài chính vi mô lớn nhất thế giới với hơn 182 các tổ chức tham gia và 142 triệu khoản vay. Hiệu quả của dự án này là giúp tiết kiệm được 13 triệu USD cho ngành dịch vụ trị giá 5 tỉ USD của họ, đồng thời tỉ lệ không trả nợ đã giảm 50%, theo số liệu của IFC.
Thiên Phong