Vì sao cắt 4.500 tỷ đồng vốn điều lệ ngân hàng?
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật về tình hình vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng, sau khi ghi nhận lại thực tế qua tái cơ cấu.
Cụ thể, dữ liệu Ngân hàng Nhà nước vừa thống kê cho thấy, tính đến 31/7/2015, tổng quy mô vốn điều lệ toàn hệ thống chỉ còn 445.295 tỷ đồng, giảm so với mức 448.645 tỷ đồng chốt tháng liền trước.
Về thay đổi lớn này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn điều lệ của toàn hệ thống điều chỉnh giảm 4.500 tỷ đồng so với kỳ công bố trước do điều chỉnh giảm vốn điều lệ của một ngân hàng trong nhóm tái cơ cấu.
Theo diễn biến tái cơ cấu thời gian qua, từ tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, vốn điều lệ được công bố là 3.000 tỷ đồng thay vì 7.500 tỷ đồng trước đó. Mức giảm 4.500 tỷ đồng nằm ở đây, nhưng đến kỳ tháng 7/2015 dữ liệu thống kê mới chính thức ghi nhận.
Dữ liệu thống kê cũng cho thấy, phần điều chỉnh giảm trên rơi vào khối ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó đã có mặt VNCB; giảm từ quy mô 149.453 tỷ đồng tại 30/6/2015 xuống còn 144.976 tỷ đồng vào 31/7/2015 (trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần giữ nguyên ở mức 185.506 tỷ đồng trong hai kỳ thống kê này).
Trước đó, tổng quy mô vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã có thay đổi lớn, từ 193.115 tỷ đồng tại 31/5/2015 xuống còn mức 185.506 tỷ đồng nói trên.
Việc sụt giảm quy mô tổng vốn điều lệ toàn hệ thống và xét theo hai khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần gắn với những thay đổi lớn về cơ cấu, sự dịch chuyển thành viên và việc định hình lại các mức vốn cụ thể.
Sau khi mua lại VNCB với giá 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện tương tự với Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Khối ngân hàng thương mại nhà nước có thêm những thành viên mới này, đồng nghĩa với khối ngân hàng thương mại cổ phần giảm đi, đi cùng là thay đổi quy mô vốn giữa hai khối.
Với lộ trình tái cơ cấu, dự kiến tới đây, thay đổi quy mô vốn điều lệ giữa hai khối ngân hàng sẽ tiếp tục thể hiện, khi Ngân hàng Công thương (VietinBank) sáp nhập xong Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Ngoài những nguyên nhân trên, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa giải thích rõ quy mô tổng vốn điều lệ hệ thống, cũng như ở các nhóm, đã loại trừ hết “yếu tố ảo” từ các thành viên bị âm vốn hay chưa cùng mức độ loại trừ cụ thể như thế nào.
Theo quy định tại Thông tư 36, giá trị thực của vốn điều lệ phải được xác định rõ để làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng, cũng như để xác định đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, phục vụ quá trình quản lý, giám sát, tái cơ cấu.
Quy định trên cũng nhằm hạn chế tình trạng trước đây có những tổ chức tín dụng lỗ đã âm vào vốn nhưng vẫn báo cáo và giữ nguyên mức vốn điều lệ đăng ký để tính các tỷ lệ an toàn.
Nguồn VnEconomy