Thứ Tư | 03/10/2012 14:47

Vì sao các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động vốn?

Dù tín dụng tăng thấp nhưng ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động có thể nhằm bù đắp thanh khoản tạm thời.
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đang lan rộng, khi đến nay, đã có ít nhất 6-7 ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mức 13%/năm như ACB, Sacombank, Bắc Á, Đại Á...

Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra. Bởi thời gian qua, phần lớn các khoản cho vay của ngân hàng đều là dài hạn, khiến nguồn tiền không cân đối giữa huy động và cho vay.

Các ngân hàng không chỉ nâng lãi suất các kỳ hạn dài mà tình trạng vượt trần lãi suất vẫn đang âm thầm diễn ra tại một số ngân hàng. Không chỉ những khoản tiền tỷ mới mà thời điểm này khoản tiền 100 triệu đồng trở lên cũng được thỏa thuận lãi suất. Hiện các mức lãi suất này dao động trong khoảng từ 9,5% - 12%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng tiền huy động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/10 vốn huy động. Một số chuyên gia đặt ra câu hỏi, vậy các ngân hàng vẫn cấp tập huy động vốn để làm gì?

Theo một chuyên gia ngân hàng, trong thời gian qua liên tiếp những sự cố về ngân hàng đang là cơ hội cho các ngân hàng lớn, đặc biệt ngân hàng quốc doanh có được niềm tin của người gửi tiền, nên nguồn vốn huy động tăng rất nhanh. Ngược lại, một số ngân hàng cổ phần nhỏ phải đối mặt với việc khách hàng không gửi mới hoặc rút tiền gửi chuyển sang địa chỉ mà họ yên tâm hơn.

Cùng với đó, việc giá vàng tăng liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều người dân rút tiền ra mua vàng cũng đã làm hao hụt nguồn tiền của các ngân hàng.

Ngoài ra, việc vay mượn trên thị trường 2 (liên ngân hàng) giữa các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn khi Thông tư 21 vừa có hiệu lực quy định ngân hàng nào có nợ quá hạn từ 10 ngày trên liên ngân hàng sẽ không được tham gia giao dịch đi vay.

Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Không loại trừ một số ngân hàng huy động vốn dài hạn nhưng thực chất là để bù đắp thanh khoản tạm thời. Ngân hàng nào thừa vẫn thừa, ngân hàng nào thiếu vẫn thiếu.”

Còn Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, nguồn vốn đang chạy lòng vòng thông qua nhiều kênh, chưa chảy vào sản xuất kinh doanh. Tồn kho tăng cao, nợ xấu khiến các ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay, tiền chạy sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là đầu tư tài chính, kể cả vàng, thậm chí là đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện