Thứ Sáu | 20/09/2013 07:52

Vì sao Bitexco được chọn đầu tư tuyến PPP Dầu Giây - Phan Thiết?

Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị xúc tiến tuyển chọn nhà đầu tư thứ hai dự án PPP thí điểm đầu tiên, sáng 19/9.
Bitexco phải theo giá trúng thầu của nhà đầu tư thứ hai
Trả lời câu hỏi vì sao Bitexco được chọn là nhà đầu tư thứ nhất và chiếm 60% vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ năm 2007, Tập đoàn này đã được giao nghiên cứu dự án. Thời điểm đó, Việt Nam đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và PPP.

"Việc xúc tiến đầu tư và sớm triển khai dự án theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.

Năm 2009, Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ GTVT thống nhất lựa chọn dự án này để triển khai thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây không phải là chỉ định thầu mà là đấu thầu cạnh tranh, công bằng, gắn với kết quả đấu thầu của nhà đầu tư thứ hai sau này. "Bitexco sẽ phải chấp nhận giá và các điều kiện như kết quả trúng thầu của nhà đầu tư thứ hai"- Thứ trưởng Đông khẳng định.

Ông Mark Moseley, Trưởng nhóm công tác của WB cho biết, lợi thế rất lớn của tuyến Dầu Giây - Phan Thiết là đã có được nhà đầu tư thứ nhất. Rõ ràng dự án đã có sự khởi đầu rất tốt và là cơ sở để lựa chọn được nhà đầu tư thứ hai một cách công bằng nhất.

"Dựa trên những phản hồi tích cực của các nhà đầu tư tại các buổi hội thảo trước, WB tin tưởng sẽ chọn được nhà đầu tư thứ hai đủ năng lực để cùng song hành với Bitexco triển khai tuyến cao tốc này. Hy vọng đây sẽ là mô hình mẫu không chỉ để nhân rộng ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới" - ông Mark Moseley nói.

Chia sẻ về công tác triển khai dự án, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco cho biết mong muốn được đồng hành với các đối tác cùng chung định hướng tìm kiếm các cơ hội mang tính chiến lược lâu dài trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trên cương vị là nhà đầu tư thứ nhất, Bitexco hướng đến đến việc cân đối giữa các chỉ tiêu chủ yếu về chất lượng dự án và tính khả thi về thương mại, đảm bảo hợp tác cùng có lợi trong mối quan hệ giữa Chính phủ, nhà đầu tư và người sử dụng hạ tầng.

2014 sẽ tổ chức đấu thầu cạnh tranh
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, được sự quan tâm của Chính phủ, đến nay dự án đã có được những bước tiến quan trọng. Đây là hội nghị cuối cùng trong chuỗi hoạt động xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư. Trước đó, trong tháng 7/2013, các hội thảo tương tự được tổ chức tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới và khu vực. Cho đến nay, đã có khoảng 30 nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thế giới của Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Philippines… tham gia.

Đây là hội nghị cuối cùng để giải đáp và trả lời tất cả các thắc mắc của các nhà đầu tư. Cho đến nay, các công đoạn chuẩn bị của dự án gần như đã hoàn tất. Tuyến cao tốc này có chiều dài 98,7km, quy mô đường cao tốc với 4 làn xe được thiết kế, xây dựng, đầu tư, vận hành, bảo trì và chuyển giao trong vòng 30 năm.

Dự kiến đến cuối 2013, Bộ GTVT sẽ chốt được danh sách các nhà đầu tư tham gia. "Dự kiến công tác đấu thầu sẽ được tiến hành vào đầu năm 2014. Tất cả công đoạn tuyển chọn đều hết sức nghiêm ngặt, đấu thầu cạnh tranh minh bạch. Kể cả GPMB cũng phải triển khai hết sức quyết liệt, đảm bảo có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư trước khi thi công để tránh rủi ro"- Thứ trưởng Đông khẳng định.

Nhà tài trợ thấy tiềm năng lớn từ PPP ở Việt Nam
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về việc thí điểm PPP trong hạ tầng giao thông.Hiện nay, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam là rất lớn. Dù Chính phủ hàng năm đã dành tới khoảng 9% GDP cho lĩnh vực này, nhưng so với thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm những hình thức đầu tư mới để tăng nguồn tài chính cho hạ tầng giao thông. Việc huy động từ khu vực tư nhân là hoàn toàn đúng đắn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khu vực tư nhân giữ một vai trò hết sức quan trọng. Các dự án huy động từ tư nhân thường có sự năng động và sáng tạo cao, từ đó đem lại hiệu quả rất khả quan.Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là giao dịch PPP đầu tiên được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai theo hình thức mới mẻ này chưa, thưa bà?Việt Nam đang rất nỗ lực để thiết lập được một dự án theo đúng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, Bộ GTVT đã rất tích cực chuẩn bị dự án và cho đến nay mọi công đoạn đã gần như hoàn tất. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là các hội nghị xúc tiến tìm kiếm nhà đầu tư thứ hai đã được tổ chức tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore với sự tham gia của hàng chục nhà đầu tư tiềm năng. Rõ ràng Việt Nam đã chuẩn bị dự án rất tốt và cơ hội triển khai thành công các dự án theo hình thức PPP là hoàn toàn rộng mở. Thông qua dự án thí điểm Dầu Giây - Phan Thiết, các nhà tài trợ cũng thấy được năng lực và tiềm năng lớn từ PPP của Việt Nam.Khi triển khai các dự án PPP có rất nhiều bên tham gia, bao gồm đại diện vốn chủ sở hữu của dự án, vốn của các công ty tư nhân trong nước, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. Để quản lý và giám sát hiệu quả thì quan trọng nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý hợp lý và minh bạch. Còn nhiệm vụ của khu vực tư nhân là phải đưa ra được một dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ tốt nhất. Cảm ơn bà!

Nguồn Báo GTVT


Sự kiện