Vì sao BIDV “thất bại” ở Myanmar?
Lĩnh vực tài chính còn sơ khai, cụ thể là dịch vụ ngân hàng chưa phát triển ở Myanmar. Do đó, đây là một trong những kết quả được chờ đợi nhất trong tiến trình mở của của đất nước này.
Nhưng đáng tiếc là trong 9 cái tên được công bố không có BIDV, ngân hàng duy nhất của Việt Nam đã tham gia ứng cử. Trong vòng 12 tháng tới, giấy phép sẽ được cấp chính thức tùy thuộc vào quá trình hoàn thủ tục của các ngân hàng đã được lựa chọn. Nhưng có lẽ cơ hội của BIDV chỉ đến ở “lần sau”.
Myanmar và tổ chức tư vấn của họ có thể đã căn cứ vào rất nhiêu tiêu chí để xét chọn giữa 25 ngân hàng ứng viên. Nhưng nếu chỉ so sánh quy mô tổng tài sản, đại diện của Việt Nam quá bất lợi.
Trong 19 ngân hàng thống kê được tổng tài sản, con số của BIDV là nhỏ nhất (khoảng 27 tỷ USD). Các ngân hàng trong khu vực như Maybank, OCBC, UOB được chọn có quy mô tài sản lớn gấp nhiều lần BIDV. Bangkok Bank là ngân hàng nhỏ nhất trong số 9 cái tên cũng có tổng tài sản hơn 78 tỷ USD, gấp 3 lần BIDV.
BIDV cũng không thể so sánh với ICBC của Trung Quốc (ngân hàng lớn nhất thế giới về tổng tài sản) và 3 ngân hàng dẫn đầu Nhật Bản: Sumitomo Mitsui Banking, Bank of Tokyo Mitsubishi UFG và Mizuho Bank.
Trước khi kết quả này được công bố, Myanmar được dự đoán sẽ chọn từ 5 đến 10 ngân hàng trong số các ứng viên. Nhưng việc công bố 9 ngân hàng cho thấy, Myanmar đã không dựa trên mục tiêu “số học”. Với sự giúp đỡ của tổ chức tư vấn, họ đã chọn các ngân hàng có thể làm gì tốt nhất cho quá trình mở cửa và phát triển của đất nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh ở Myanmar vẫn có thể sử dụng dịch vụ của các ngân hàng đã được chọn. Nhưng rõ ràng, không có BIDV đồng hành, sự thuận lợi trong hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ giảm đi đáng kể.
Đây là thất bại lớn thứ hai của các tập đoàn Việt Nam tại Myanmar sau khi Viettel cũng trượt đấu thầu viễn thông tại nước này vào giữa năm ngoái. Tháng trước, Dược Hậu Giang, một trong những công ty dược lớn nhất Việt Nam cũng đã dừng kế hoạch đầu tư sang Myanmar.
Nguồn Bizlive