Vì sao bầu Đức phải cứu giá HAG?
Đóng cửa hôm qua (14/5), HAG có giá 18.000 đồng/ cổ phiếu, giảm 19% từ đầu năm. Kể từ đầu năm 2012, đây là lần đầu tiên giá cổ phiếu này rơi xuống dưới mức 20.000 đồng xa đến vậy.
Trong các phiên gần đây, áp lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài càng khiến cho HAG giảm nhanh hơn. Khoảng 4 triệu cổ phiếu HAG, trị giá hơn 70 tỷ đồng đã được bán ròng kể từ sau kỳ nghỉ lễ 1/5.
Kết quả là, để chặn đà giảm giá cổ phiếu, HAGL phải công bố mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ trong vòng một tháng tới. Bầu Đức, chủ tịch của tập đoàn cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG để tăng tỷ lệ sở hữu lên 44%.
Với một tập đoàn đang có nhu cầu đầu tư lớn ở tất cả các mảng kinh doanh, việc chi gần 200 tỷ ra mua lại cổ phiếu là khác thường và chắc chắn phải được giải thích bằng một lý do quan trọng.
Theo ý kiến của 1 số chuyên gia trong giới phân tích tài chính, dưới đây là 1 khả năng có thể xảy ra:
Dường như vấn đề nằm ở các khoản vay bằng trái phiếu của HAGL. Nhưng lần này không phải vấn đề lãi suất, không phải nợ đáo hạn hay ai là chủ nợ mà khả năng là ở các tài sản bảo đảm.
Theo báo cáo tài chính năm 2014, HAGL có hàng loạt các trái phiếu phát hành trong nước được đảm bảo toàn bộ hoặc từng phần bằng tổng cộng hơn 166 triệu cổ phiếu HAG do Bầu Đức sở hữu.
Các trái phiếu này được phát hành từ giữa năm 2012 đến cuối năm 2014, trong phần lớn thời gian này giá HAG luôn ở trên mức 20.000 đồng/ cổ phiếu. Điều này có nghĩa là ở mức giá HAG hiện tại, giá trị các tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu này đã giảm ít nhất 20%.
Thông thường, trong các thường vụ phát hành trái phiếu, việc xử lý tài sản đảm bảo diễn ra khi trái chủ không nhận được đầy đủ các quyền lợi thanh toán trái phiếu theo quy định.
Nhưng điều này rất ít khi xảy ra.
Phần lớn nguyên nhân tài sản đảm bảo bị xử lý là do giá trị sụt giảm gây rủi ro cho khả năng thu hồi vốn vay của trái chủ, nếu yêu cầu bổ sung thêm tài sản đảm bảo khác không được thực hiện.
Trong một hợp đồng cầm cố chứng khoán HAG cho một trái phiếu phát hành năm 2014 của HAGL, tỷ lệ cảnh báo là 80% (tài sản cho vay/ tài sản đảm bảo) và nếu con số này đạt 90% (tỷ lệ xử lý), bên cầm cố sẽ có quyền thực hiện các bước xử lý.
Mặc dù vậy, việc xử lý tài sản đảm bảo có thể bị trì hoãn bởi các thỏa thuận riêng giữa hai bên theo các quy định của hợp đồng mua/bán trái phiếu.
Hóa giải?
Bầu Đức hiện sở hữu hơn 43% cổ phần HAGL, tương đương hơn 330 triệu cổ phần. Do đó, khi giá cổ phiếu HAG tiếp tục xuống thấp hơn, các hoạt động giải chấp số cổ phần cầm cố bên trên cũng có cách "hóa giải": một lượng cổ phiếu HAG nữa của bầu Đức có thể được bổ sung vào quy mô tài sản đảm bảo cho các khoản vay này.
Tuy vậy, bầu Đức có lẽ chẳng muốn điều này xảy ra.