Thứ Tư | 07/06/2017 16:03

Vì sao Arab Saudi lại xung đột với Qatar?

Sự thống trị của Qatar trong thị trường khí đốt Trung Đông là nguồn cơn của những bất ổn hiện tại.

Theo nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, lý do dẫn tới việc 4 quốc gia Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain và UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar là do nước này đã tài trợ ngầm cho các tổ chức khủng bố. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng đây là kết quả từ việc ông kêu gọi chấm dứt việc tài trợ cho khủng bố trong chuyến thăm Saudi Arabia gần đây.

Một nguồn tin của Financial Times cũng cho rằng Qatar đã cung cấp 1 tỷ USD cho các tổ chức có liên quan tới Iran và al-Qaeda. Ngoài ra, Qatar gần đây đã có những bước đi ngoại giao hướng tới Iran và Nga, vốn là điều mà Arab Saudi không thể chấp nhận về mặt ý thức hệ. "Con giun xéo mãi cũng oằn", Arab Saudi quyết định trừng phạt người hàng xóm của mình.

Tuy nhiên, theo bình luận từ blog tài chính Zero Hedge, những lý do này chỉ là sự che đậy cho những căng thẳng thực sự đằng sau. Lý do chính đằng sau sự trừng phạt ngoại giao này có thể đơn giản hơn nhiều, và một lần nữa xoay quanh chủ đề gây nhiều tranh cãi từ lâu, đó là sự thống trị của Qatar trong thị trường khí đốt Trung Đông.

Từ cách đây vài năm, nhiều người đã suy đoán một trong những lý do quan trọng nhất cho cuộc chiến tranh triền miên tại Syria là sự cạnh tranh giữa các cường quốc về khí đốt. Phía Qatar mong muốn xây dựng một đường ống từ nước này đi qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế thống trị của Gazprom (Nga) trong việc cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho Châu Âu, vì thế Nga đã rất cứng rắn ngăn cản chiến lược này ngay từ đầu, và giải thích một phần cho sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Putin đối với chế độ Assad tại Syria. Vì thế, cuộc chiến tại Syria còn được xem là một "cuộc chiến ủy nhiệm"(proxy war - trong đó 2 phe phái đối địch được hậu thuẫn bởi các lực lượng bên ngoài).

Vi sao Arab Saudi lai xung dot voi Qatar?
Sơ đồ các dự án đường ống dẫn khí đốt tại khu vực Trung Đông, đường màu tím là từ Qatar đi qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi vào châu Âu. Ảnh: ZeroHedge

Trong một phân tích khác, Bloomberg cũng cho rằng lịch sử mâu thuẫn giữa Qatar và Arab Saudi đã kéo dài từ năm 1995 tới nay, và “quá khứ dai dẳng và kéo dài trong tương lai của mâu thuẫn này sẽ được giải thích bởi khí đốt”.

Theo Bloomberg, năm 1995 là thời điểm diễn ra cuộc đảo chính trong nội bộ hoàng gia Qatar, dẫn tới sự thất thế của phe thân Arab Saudi. Đó cũng là lúc mà nước này chuẩn bị xuất khẩu khí đốt từ mỏ ngoài khơi North Gas Field, vốn là vỉa khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Qatar chia sẻ mỏ này cùng với Iran (phía Iran gọi phần mỏ của họ South Pars Field), đối thủ chính trị của Arab Saudi.

Vi sao Arab Saudi lai xung dot voi Qatar?
Sơ đồ co sở hạ tầng năng lượng của Qatar, phần màu xám là khu vực khai thác khí North Field do Qatar sở hữu, màu xám nhạt là khu vực South Pars do Iran sở hữu, đường màu đỏ là đường ống dẫn khí Dolphin nối liền Qatar với UAE và Oman. Ảnh Zero Hegde.

Kết quả của việc này là tình hình tài chính của Qatar được cải thiện đáng kể, biến Qatar thành quốc gia giàu có nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 130.000 USD, cũng như biến nước này trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất toàn cầu. Việc tập trung vào khí đốt khiến Qatar ngày càng tách rời khỏi các nước láng giềng sản xuất dầu trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và cho phép nước này thoát khỏi sự thống trị của Arab Saudi. Một ví dụ về thái độ kẻ cả của Arab Saudi là trong tuyên bố vào hôm thứ Hai mới đây, khi nước này tuyên bố người dân Qatar là "các họ hàng của người dân Vương quốc Arab Saudi", cùng lúc với việc cắt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới với Qatar.

Tóm lại, trong hai thập kỷ qua, Qatar đã trở thành cường quốc khí đốt thiên nhiên lớn nhất trong khu vực, và chỉ có Gazprom của Nga mới có thể thách thức được ảnh hưởng của Qatar trong lĩnh vực xuất khẩu LNG.

Vi sao Arab Saudi lai xung dot voi Qatar?
Tỷ trọng sản lượng khí hóa lỏng (bên trái) và dầu (bên phải) của Qatar so với thế giới. Ảnh: Bloomberg

Dù sao, Qatar cũng đã cho thấy họ có thể khá linh hoạt trong việc chuyển đổi ý thức hệ của mình. Theo Financial Times đưa tin vào năm 2013, ban đầu Qatar hậu thuẫn và tài trợ cho quân nổi dậy Syria, với mục tiêu lật đổ chế độ Assad, từ đó có thể dẫn tới việc xây dựng một đường ống dẫn khí qua Syria. Theo bài báo này, Qatar đã chi khoảng 3 tỷ USD trong 2 năm để ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, hào phóng hơn bất kỳ nước nào khác, nhưng sau đó dần dần bị qua mặt bởi Arab Saudi.

Trong những năm qua, Qatar đã dần hiểu rằng Nga sẽ không cho phép nước này xây đường ống đi qua Syria, và kết quả là Qatar đã có những động thái ủng hộ Nga. Hồi năm ngoái, quỹ đầu tư quốc gia của Qatar (QIA) đã đồng ý đầu tư 2,7 tỷ USD vào tập đoàn Rosneft Oil của chính phủ Nga. Đây là một diễn biến thú vị, nếu biết rằng Qatar cũng là nơi đặt đại bản doanh CENTCOM, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông. Việc chuyển hướng sang phía Nga, cộng thêm những động thái ủng hộ Iran về mặt tài chính lẫn chính trị, có thể đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi rằng Qatar đã quay sang ủng hộ cho một trục liên minh Nga-Iran-Syria.

Việc Qatar ngày càng có thêm sự tự chủ về mặt tài chính lẫn ngoại giao đã khiến các nước láng giềng ngày càng tức giận và quan ngại. Jim Krane, chuyên gia nghiên cứu năng lượng tại Viện Baker của Đại học Rice, nói với Bloomberg: "Qatar từng là một dạng quốc gia chư hầu của Arab Saudi, nhưng nước này đã tận dụng sự tự chủ được tạo ra từ tiền bán khí đốt để tạo ra một vai trò độc lập cho mình".

Hơn nữa, sản lượng khí đốt tự nhiên của Qatar "không bị ràng buộc" và chịu áp lực chính trị bởi OPEC, liên minh các nước sản xuất dầu mỏ do Arab Saudi dẫn đầu. Krane nói thêm: "Các nước còn lại trong khu vực đã từ lâu tìm kiếm cơ hội nhằm 'bẻ cánh' Qatar."

Và theo Bloomberg, "cơ hội đó đã đến trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Arab Saudi, khi ông kêu gọi" tất cả các quốc gia có lương tâm" cô lập Iran. Phía Qatar đã lập tức đưa ra thông báo thể hiện sự bất bình công khai (nhưng sau đó chính phủ nước này lại nói đó là do tin tặc phá hoại), từ đó dẫn tới sự trừng phạt từ nhóm các quốc gia Trung Đông do Arab Saudi dẫn đầu. Trên Twitter của mình, chính Trump cũng khẳng định việc cô lập Qatar là vì nước này tài trợ cho khủng bố (có lẽ ông quên rằng có một căn cứ lớn của Mỹ nằm tại đây).

Quay lại câu chuyện về khí đốt, theo Bloomberg thì nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sản xuất điện và phát triển công nghiệp đang tăng lên ở các quốc gia vùng Vịnh, khiến họ phải dùng đến LNG nhập khẩu với chi phí cao, và các vỉa khí đốt nội địa thì lại có chi phí khai thác rất tốn kém. Trong khi đó, khí của Qatar có chi phí khai thác thấp nhất trên thế giới. Điều này đã đem lại sức mạnh ngoại giao cho Qatar.

Ngoài ra, Qatar cũng dùng tiền bán khí đốt thực hiện các chính sách đối ngoại gây khó chịu cho các nước láng giềng. Họ ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ở Ai Cập, lực lượng Hamas ở Dải Gaza và các phe phái vũ trang tại Libya và Syria có tư tưởng chống UAE hoặc Arab Saudi. Qatar cũng có mạng lưới truyền hình toàn cầu Al Jazeera, với các bản tin khiến hầu hết các chính phủ tại Trung Đông từng ít nhất một lần bị xấu hổ hoặc tức giận. Và trên hết, việc khai thác chung một vỉa khí với Iran cũng thúc đẩy Qatar thực hiện chính sách hợp tác với nước này, để bảo vệ nguồn tài nguyên chính.

Steven Wright, Phó giáo sư tại Đại học Qatar, nói với Bloomberg: "bạn có thể đặt câu hỏi tại sao Qatar đã không sẵn lòng cung cấp khí đốt cho các nước láng giềng, làm cho các nước này thiếu khí, trong khi có lẽ những nước này lại kỳ vọng rằng Qatar sẽ bán khí đốt cho họ với giá ưu đãi".

Thay vào đó, vào năm 2005 Qatar lại tuyên bố hoãn việc gia tăng hoạt động khai thác tại North Field, nơi có thể cung cấp nhiều khí đốt hơn cho các nước lân cận, làm tăng thêm sự thất vọng của các nước láng giềng.

Qatar cho biết hành động của họ đơn thuần là muốn kiểm tra sự hiệu quả trong việc khai thác, phủ nhận rằng nước này đang muốn nhượng bộ phía Iran, vốn có tốc độ khai thác chậm hơn. Ban đầu Qatar tuyên bố là chỉ hoãn 2 năm, nhưng đến tháng 4/2017 vửa rồi thì điều này mới thành hiện thực, sau khi Iran lần đầu tiên bắt kịp với tốc độ khai thác của Qatar.

Việc Qatar từ chối tăng sản lượng đã khiến sự oán giận từ các nước láng giềng tăng lên. Gerd Nonneman, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu vùng Vịnh thuộc trường Đại học Georgetown, nói: "Mọi người ở đây đang suy nghĩ xem điều mà Saudi mong muốn ở Qatar là gì. Có vẻ họ muốn Qatar phải nhượng bộ hoàn toàn, nhưng nước này sẽ không gọi phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập là một tổ chức khủng bố, bởi vì thực tế nhóm này không phải như vậy. Và Qatar cũng sẽ không cắt quan hệ với Iran, bởi vì mối quan hệ này quá quan trọng với sự phát triển kinh tế của Qatar".

Giờ đây, tình hình Qatar sẽ phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của cả Arab Saudi và Iran. Arab Saudi, UAE và Ai Cập đều là những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn khí tự nhiên Qatar thông qua đường ống dẫn khí và LNG.

Theo Reuters, sau khi bị bất ngờ, các nhà giao dịch đã bắt đầu lên kế hoạch cho tất cả các trường hợp, đặc biệt là biến động trong việc vận chuyển khí từ Qatar đến UAE. Hiện UAE tiêu thụ 51 triệu m3 khí/ngày của Qatar qua đường ống Dolphin, và cũng có hợp đồng mua LNG từ nước này. Do đó, UAE sẽ là nước bị ảnh hưởng mạnh nhất từ các biện pháp đáp trả của Qatar (nếu có).

Vi sao Arab Saudi lai xung dot voi Qatar?
Xuất khẩu khí LNG của Qatar (côt bên phải) là 8,77 tỷ m3/tháng, chiếm tỷ trọng đáng kể toàn cầu. Các đối tác mua khí đốt của Qatar (cột bên trái) chủ yếu là các nước châu Á: Nhật, Hàn, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, dòng dẫn khí thông qua đường ống Dolphin không bị ảnh hưởng nhưng các nhà kinh doanh nói rằng ngay cả việc gián đoạn một phần dòng khí này cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa khắp các thị trường khí đốt toàn cầu.

Với việc thị trường LNG đang suy yếu, UAE có thể chịu đựng được việc Qatar tạm ngưng dẫn khí trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng bằng cách mua từ thị trường quốc tế, nhưng nguồn cung từ dòng chảy Dolphin là quá lớn để thay thế hoàn toàn. Việc gián đoạn đường ống dẫn khí Dolphin sẽ có tác động rất lớn lên thị trường LNG, một nhà giao dịch theo dõi kĩ diễn biến hiện tại cho biết.

Xét cho cùng, trong cuộc đối đầu kỳ này, ai có nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là người chiến thắng. Qatar có thể đơn giản thể chơi chiêu bài lưỡng bại câu thương (Mutual Assured Destruction) và chấm dứt việc vận chuyển khí đốt tới các nước láng giềng, làm tê liệt nền kinh tế của đối phương lẫn của chính họ, để xem ai có sức chịu đựng bền bỉ hơn.

Bá Ước

Nguồn Zero Hedge