Vì sao Agribank được mua nợ xấu đợt đầu?
2012: Giảm trích lập để lãi
Là DN thuộc hạng đặc biệt của Chính phủ, trong suốt quá trình hoạt động Agribank đã nhiều lần được bổ sung vốn điều lệ. Đợt bổ sung lớn nhất vào năm 2010, với 10.200 tỉ đồng, đưa Agribank trở thành NHTM có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, hơn 21.000 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2012, vốn điều lệ của Agribank đạt 26.449 tỉ đồng. Mặc dù vậy, nhưng KQKD của Agribank năm 2012 không như mong đợi.
Theo báo cáo KQKD hợp nhất 2012 của Agribank, LNST của NH chỉ đạt 2.565 tỉ đồng, bằng 52,8% lợi nhuận thực hiện được của năm 2011.
Có nhiều lý do khiến KQKD của Agribank năm 2012 sụt giảm mạnh, tuy nhiên nhìn vào bảng cân đối kế toán có thể thấy ngay lý do chính là do trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh và hoạt động kinh doanh ngoại hối suy giảm.
Năm 2011, trích lập dự phòng rủi ro là 10.233 tỉ đồng, sang đến năm 2012 đã thành 12.239 tỉ đồng, tăng 2.006 tỉ đồng. Còn kinh doanh ngoại hối năm 2012 chỉ lãi 439 tỉ đồng trong khi cùng kỳ 2011 đạt 793 tỉ đồng.
Do vậy mặc dù lãi thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2013 vẫn đạt 15.957 tỉ đồng, bằng 98% thực hiện 2011 nhưng LNTT lại giảm mạnh từ 6.008 tỉ xuống còn 3.717 tỉ đồng trong năm 2012.
Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Agribank trong năm 2012 bắt nguồn từ chất lượng dư nợ cho vay suy giảm.
Nếu xét về tổng dư nợ xấu thì năm 2012 giảm 573 tỉ đồng so với năm 2011. Nợ xấu năm 2012 là 33.793 tỉ đồng còn năm 2011 là 34.366 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 5, tức là nợ có khả năng mất vốn tăng thêm hơn 1.545 tỉ đồng.
Tại thuyết minh của Agribank nêu rõ cơ sở phân loại và trích dự phòng rủi ro được thực hiện theo QĐ 493 của NHNN, theo đó nợ xấu nhóm 3 trích dự phòng rủi ro 20%, nợ xấu nhóm 4 phải trích 50% và nhóm 5 là 100%. Chiếu theo quy định này, chốt năm 2012 Agribank phải trích lập 26.431 tỉ đồng.
Nếu thực hiện như vậy thì KQKD Agribank 2012 không những không có lãi mà còn âm vốn chủ sở hữu.
Một điểm tích cực trong năm 2012 là khoản vay của Agribank với NHNN đã giảm rất mạnh thể hiện thanh khoản tốt của NH. Năm 2011, Agribank đã phải vay NHNN thông qua cầm cố giấy tờ có giá lên đến 33.466 tỉ đồng thì sang 2012 chỉ còn 5.252 tỉ đồng.
Quý II/2013:Chưa thoát lỗ
Sau một năm 2012 không như mong muốn, Agribank bước vào kinh doanh 2013 với kế hoạch huy động vốn (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 11% - 13%, còn dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 9% - 11% so với cuối năm 2012.
Theo báo cáo tại bảng cân đối kinh doanh hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng 6 tháng đạt 506.491 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2012. Như vậy, 6 tháng cuối năm tín dụng của Agribank phải tăng trưởng 5-7% mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, chỉ mới tăng trưởng tín dụng 4%, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đã tăng lên thêm 1.102 tỉ đồng so với cùng kỳ. Cụ thể đến cuối 2012, dự phòng rủi ro cho vay là 15.913 tỉ đồng còn sang năm 2013 là 17.015 tỉ đồng.
Theo báo cáo KQKD hợp nhất quý II/2013, thu nhập lãi thuần giảm mạnh so với cùng kỳ 2012, chỉ đạt 4.782 tỉ đồng so với 6.704 tỉ đồng quý II/ 2012.
Tuy nhiên nhờ tiết giảm chi hoạt động mà lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng của xấp xỉ cùng kỳ 2012, đạt 2.643 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II/2013 lỗ 879 tỉ đồng, thấp hơn số lỗ 1.335 tỉ đồng của quý II/2012. Lũy kế 6 tháng Agribank lãi sau thuế 2.303 tỉ đồng chỉ bằng 92% cùng kỳ 2012.
Nguồn Lao động