Vì sao 7-Eleven đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Indonesia?
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã đạt được những thành công nhất định tại Indonesia kể từ khi bắt đầu hoạt động ở thị trường này vào năm 2009. Các cửa hàng luôn đông đúc và Modern International, doanh nghiệp điều hành 7-Eleven tại đây, cũng liên tục mở cửa hàng mới tại các khu vực khác ngoài Jakarta.
Nhưng hôm thứ Sáu tuần trước, Modern thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ 136 cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia sau khi thương vụ bán lại hoạt động kinh doanh cho tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group - Thái Lan) với trị giá 75 triệu USD bị đổ bể đầu tháng này, tức chỉ 6 tuần sau khi ra thông báo.
Công ty con CP All của Charoen Pokphand sẽ không sáp nhập thị trường Indonesia vào đế chế của mình, dù đang là doanh nghiệp điều hành 7-Eleven Thái Lan, thị trường lớn thứ hai trên thế giới của chuỗi cửa hàng tiện lợi này.
Tuy nhiên, sự kiện này không làm Arifin - một nhân viên giữ xe tại một cửa hàng 7-Eleven ở ngoại ô Jakarta - lấy làm ngạc nhiên. "Các cửa hàng luôn đông đúc, nhưng khách hàng chẳng mua gì nhiều. Họ đến để có chỗ hẹn hò và 'xài ké' WiFi. Họ cũng mang theo máy tính xách tay và ngồi hàng giờ nhưng chỉ mua mỗi một phần nước uống", anh nói.
Điều đó không đủ để Modern tồn tại, đặc biệt là khi doanh nghiệp này phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ Alfamart và Indomaret - các chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương hoạt động lâu hơn và có mạng lưới rộng lớn hơn ở Indonesia, cũng như với các quầy thức ăn đường phố với lượng khách mua hàng tấp nập.
Giới trẻ Indonesia đến 7-Eleven để dùng miễn phí WiFi. Ảnh: The New York times |
"Thu nhập từ hoạt động bán hàng của 7-Eleven không trang trải đủ chi phí hoạt động như điện, đèn, WiFi và các chi phí khác", Reza Priyambada, một nhà phân tích tại công ty chứng khoán Bina Artha ở Indonesia nói.
Cả Alfamart và Indomaret ban đầu đã bắt chước theo 7-Eleven, khi thấy đối thủ mới đạt được những thành công nhất định. Hai chuỗi này đã hoạt động khá lâu dưới dạng siêu thị nhỏ, hướng đến việc trở thành một cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm tươi sống hơn là một cửa hàng tiện lợi, cũng như không tập trung nhiều vào bán thức ăn và đồ uống có cồn.
Tương tự như hoạt động nhận nhượng quyền của Modern, Alfamart đã hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản Lawson, trong khi Indomaret phát triển một chuỗi cửa hàng tiện lợi khác mang tên Indomaret Point. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác đến từ Nhật là FamilyMart và Ministop cũng đã tìm đối tác nhượng quyền ở Indonesia.
Bản thân Modern ban đầu ăn nên làm ra là nhờ điều hành mạng lưới in ảnh Fujifilm ở Indonesia. Doanh nghiệp này chuyển hướng sang kinh doanh 7-Eleven khi hoạt động in ảnh sụt giảm nghiêm trọng, và chuyển đổi một số địa điểm sang hoạt động kinh doanh mới.
Với giới trẻ Indonesia, 7-Eleven đã mang đến một không gian giải trí thời thượng. Các cửa hàng ven đường và những món ăn giá cả phải chăng của hãng này đã mang lại cho họ cảm giác như đang ở một quán ăn truyền thống, nhưng lại có chỗ ngồi thoải mái với máy lạnh và WiFi miễn phí của một quán cà phê hiện đại. Khoảng một nửa không gian cửa hàng được dành cho thực phẩm tươi và thức uống.
Doanh thu của chuỗi 7-Eleven tại Indonesia đạt đỉnh vào năm 2014 với 917,77 tỷ rupiah, tương đương 69,25 triệu USD. Mạng lưới cửa hàng đạt con số cao nhất 187 địa điểm vào năm sau đó.
Một ban nhạc biểu diễn tại 7-Eleven. Ảnh: The New York Times |
Mất doanh thu từ bia rượu
Đó là lúc mọi thứ bắt đầu đi chệch hướng. Tháng 4/2015, chính phủ Indonesia cấm bán đồ uống có cồn trong cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Vào thời điểm đó, các loại đồ uống này chiếm khoảng 15% doanh thu của 7-Eleven.
Mặc dù chính phủ đã nới lỏng lệnh cấm vào 5 tháng sau đó và cho phép các địa phương tự quyết định việc thực hiện lệnh cấm này. Song một trong những thành phố lớn nhất là thủ đô Jakarta vẫn tiếp tục thực hiện lệnh cấm.
Theo Tutum Rahanta, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Indonesia, 7-Eleven cũng gặp phải một số trở ngại khác liên quan tới giấy phép. Bộ Thương mại Indonesia hồi năm 2012 đã ra văn bản cảnh cáo 7-Eleven về việc kinh doanh một số mặt hàng khi chưa có giấy phép tương ứng.
Sau vụ luật cấm đồ uống có cồn, doanh thu của các cửa hàng 7-Eleven đã giảm 8,8% xuống 886,84 tỷ rupiah (66,87 triệu USD), còn Modern ghi nhận khoản lỗ ròng tới 54,76 tỷ rupiah (4,13 triệu USD).
Cả Alfamart và Indomaret đều không mấy bị tác động bởi lệnh cấm, và ghi nhận doanh thu tăng trong năm đó. Hai chuỗi này, với hơn 13.000 cửa hàng mỗi chuỗi, đã bán các loại hàng tạp hóa và đồ ăn nhẹ ở Indonesia trong hơn 20 năm qua.
Họ đã tận dụng được lợi thế tầm phủ sóng để cung cấp thêm các dịch vụ khác như thanh toán hóa đơn và đặt vé máy bay. Ngân hàng đầu tư Nomura đưa ra ước tính trong một báo cáo phát hành tháng trước rằng các dịch vụ như vậy chiếm khoảng 15,3% thu nhập EBIT của Alfamart trong năm ngoái, tăng so với mức chỉ 1,1% bốn năm trước.
Modern bắt đầu đóng cửa 21 cửa hàng 7-Eleven trong năm ngoái, giữa bối cảnh doanh thu sụt giảm. Doanh thu chuỗi này đã giảm 23,9% xuống 675,28 tỷ rupiah (50,92 triệu USD). Modern ngập trong nợ nần với khoản lỗ từ các hoạt động kinh doanh lên tới 764,32 tỷ rupiah (57,63 triệu USD). Đầu năm nay, Modern đóng cửa thêm 30 cửa hàng 7-Eleven nữa.
Bên trong một cửa hàng Indomaret. Ảnh: Nikkei |
Ministop cũng phải đóng gần 10 cửa hàng, dù đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng. Hero Supermarket, tập đoàn bán lẻ do Jardine Matheson Holdings (Hong Kong) kiểm soát, đã bán chuỗi cửa hàng tiện lợi đang vật lộn kinh doanh của hãng này là Starmart cho Wings Group - doanh nghiệp giữ nhượng quyền các cửa hàng FamilyMart tại Indonesia. Một số cửa hàng Starmart cũ đã được chuyển thành FamilyMart, nhưng trên website, chuỗi FamilyMart cho biết chỉ sở hữu 59 cửa hàng tại Indonesia, dù đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng đến năm 2015.
Cả Alfamart và Indomaret trên thực tế đều chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong năm qua. Cả hai chuỗi này cũng suy nghĩ lại về việc mở cửa hàng tiện lợi, và thay vào đó là lên kế hoạch mở hơn 1.200 siêu thị nhỏ (minimarket) trong năm nay.
Cổ phiếu của Modern đạt đỉnh 1.050 rupiah cách đây 4 năm trước, nhưng giờ chỉ được giao dịch quanh mốc 50 rupiah. Không có 7-Eleven, doanh nghiệp này sẽ chỉ còn là một doanh nghiệp nhỏ. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern ở mức 228,7 tỷ rupiah, chỉ bằng 1/4 so với khoản tiền mà CP Group dự tính chi ra để mua các cửa hàng 7-Eleven của doanh nghiệp này.
Trường Văn
Nguồn Nikkei