Ngọc Thủy Thứ Ba | 10/05/2022 08:00

Ví điện tử thời "1 mất 1 còn"

Với 43 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường này đã ở trên đỉnh của cạnh tranh.

Theo đánh giá mới nhất của ông Seng Kiong Kok, chuyên gia tài chính tại Đại học RMIT, giữa các ví điện tử đang có sự cạnh tranh gay gắt. Trong đó, báo cáo của PwC chỉ ra, MoMo, Moca, ZaloPay đã chiếm đến 90% thị phần. Các ví khác như Payoo, eMoney, SmartPay, Gpay... phải chen chân trong 10% thị phần còn lại.

Dù vậy, các ví điện tử vẫn lạc quan vì đây là lĩnh vực hấp dẫn và còn nhiều cơ hội bùng nổ. Ở quy mô khu vực, theo báo cáo của PwC, 2 năm trước, thanh toán ví điện tử ở Đông Nam Á đã đạt giá trị 22 tỉ USD và sẽ tăng gấp 5 lần, vượt 114 tỉ USD vào năm 2025. Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, nửa đầu năm 2021, giao dịch bằng ví điện tử đạt hơn 802 triệu đơn vị với giá trị trên 302.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 85,4% và 91,6% so với cùng kỳ. Việt Nam cũng ghi nhận 43 công ty tham gia lĩnh vực ví điện tử.

 

Ngoài MoMo, VNPAY, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Moca (GrabPay), Payoo, thị trường xuất hiện nhiều gương mặt mới như VinID (thuộc Vingroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (tích hợp vào Lazada), SmartPay, Gpay... Nếu tính thêm các ứng dụng do ngân hàng phát triển, thị trường ví điện tử còn chật trội hơn nhiều.

Để cạnh tranh và thống lĩnh trong thị trường, theo PwC, các nhà cung cấp ví điện tử có thể sáp nhập hoặc gia tăng hợp tác tạo thành siêu ứng dụng (super app). Ví dụ, WePay sáp nhập với Gojek; Moca kết hợp với Grab, Tiki để đẩy mạnh thêm nhiều dịch vụ như cung cấp đồ ăn, chuyển hàng, mua sắm...

MoMo đã thu hút gần 31 triệu khách hàng, huy động hàng trăm triệu USD để mở rộng hệ sinh thái với 45 ngân hàng, kết nối với Visa, Mastercard, JCB, tích hợp các dịch vụ tài chính (ví thần tài, ví trả sau, bảo hiểm, cho vay tiêu dùng) và thương mại điện tử (Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Lazada). Riêng ZaloPay thì khai thác thế mạnh kết nối với Zalo và chào đón thêm 269 đối tác mới. Năm 2020, ZaloPay của Zion còn mạnh tay chi tiền và chịu lỗ hơn 667 tỉ đồng để thu hút người dùng. Kết quả, ZaloPay đã bám sát MoMo trong cuộc cạnh tranh.

ShopeePay cũng trở nên đáng gờm sau thương vụ Sea Group mua lại AirPay và đổi tên thành ShopeePay. Đây là nền tảng thanh toán hợp tác với 18 ngân hàng và tích hợp với Shopee - sàn thương mại điện tử dẫn đầu nên có nhiều ưu thế. Còn sức mạnh của VNPAY là cổng thanh toán điện tử và sở hữu mạng lưới liên kết thanh toán hơn 200.000 điểm bán. Đây cũng là một trong những ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam cho phép người dùng mở thêm ví thành viên cho người thân.

ViettelPay tuy không cạnh tranh về khuyến mãi, giảm giá nhưng theo App Annie, đây là ứng dụng được tải về nhiều nhất, chỉ sau MoMo. Với lợi thế mạng lưới liên kết với Viettel Post, Viettel Store và các cửa hàng dịch vụ, ViettelPay đã đạt độ phủ hơn 200.000 điểm giao dịch cả nước. Payoo đa dạng dịch vụ và mở rộng hợp tác với các đối tác mới trong nhiều lĩnh vực như Haidilao, Jollibee, Highlands, Gongcha... ở mảng F&B.

Kết quả là sau hơn 10 năm hiện diện tại Việt Nam, theo đại diện VietUnion, Payoo đã xử lý hơn 400 loại hóa đơn, dịch vụ cho hơn 350 nhà cung cấp khác nhau, mở rộng gần 20.000 điểm thanh toán khắp toàn quốc và đạt tăng trưởng giá trị giao dịch 60%/năm, xử lý gần 100.000 tỉ đồng mỗi năm.

Các ví điện tử đã và đang tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, xu hướng của ví điện tử là mở rộng phạm vi người tiêu dùng như chú ý đến khách hàng doanh nghiệp (B2B) và số hóa chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, ngoài phục vụ khách hàng cá nhân, MoMo đang cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Đầu năm nay, MoMo còn hợp tác với Nhanh.vn - đơn vị cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho hơn 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc MoMo, chia sẻ: “MoMo muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể chuyển đổi số nhanh chóng với chi phí thấp, mở rộng thị trường thông qua giải pháp của Nhanh.vn”.

 

Về phần Payoo, bên cạnh việc cung cấp giải pháp thanh toán thông minh cho doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, giáo dục, vận chuyển, thu hồi công nợ..., hãng này còn cung cấp các dịch vụ cộng thêm như giao nhận tại cửa hàng, phát hành E-voucher, quản lý đội ngũ giao hàng, lập kế hoạch và lịch biểu cho nhân viên... Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion, cho biết: “Việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thanh toán số, thanh toán toàn diện là yêu cầu cấp thiết để đa dạng hóa kênh bán hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng và vững vàng đón nhận các thách thức khác trong tương lai”.

PwC dự đoán, để gia tăng khả năng cung cấp dịch vụ ở quy mô lớn, các ví điện tử sẽ phải bảo mật dữ liệu nhiều hơn. Các đầu tư này là một phần của tái cấu trúc nội bộ và tiến tới trở thành siêu ứng dụng. Ngoài ra, các ví điện tử cũng muốn hướng tới quốc tế hóa hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Seng Kiong Kok, dù đã có một số bước tiến nhưng Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.