Vì đâu VietinBank và VPBank thoái vốn khỏi Cảng Sài Gòn?
Liệu tài sản công còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư bên ngoài hiện nay? Câu trả lời là “có” nhưng trong một chừng mực nhất định. Dự báo sẽ có sự dè chừng tăng lên trong các phiên đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, nhất là sau khi 2 đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (CSG) là 2 ngân hàng VietinBank và VPBank đồng loạt xin thoái vốn hoàn toàn chỉ sau chưa tới một năm nắm giữ cổ phần. Tổng số tiền đầu tư ban đầu của 2 ngân hàng này lên đến 411 tỉ đồng.
Hiện nay, VPBank đang nắm 7,44% cổ phần của CSG, trong khi con số tương ứng của VietinBank là 9,07%. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đơn vị nắm cổ phần chi phối ở CSG, đã có văn bản đồng ý chủ trương thoái vốn của 2 ngân hàng này. Có lẽ việc thoái vốn này thật sự gây bất ngờ ngay cả cho những người trong cuộc khi CSG đang cần sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư để triển khai các dự án lớn như CSG Hiệp Phước hay dự án bất động sản tại khu “đất vàng” Nhà Rồng - Khánh Hội.
Lý do của việc chia tay này có thể đến từ khoản lỗ bất ngờ lên đến 1.000 tỉ đồng hồi tố từ việc hạch toán các khoản lỗ trong 2 liên doanh SP - PSA, SSIT và khoản đầu tư tại CMIT - các liên doanh đang khai khác Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tính đến năm 2015, do thị trường vận tải biển vẫn cạnh tranh khốc liệt nên các liên doanh này tiếp tục thua lỗ, đưa tổng lỗ lũy kế lên đến gần 6.300 tỉ đồng.
Trước khi cổ phần hóa, CSG đã không hạch toán khoản lỗ vào giá trị sổ sách khi cho rằng phần vốn góp tại các liên doanh cảng Cái Mép - Thị Vải đến từ cả Vinalines và CSG. Câu chuyện đã thay đổi khi giờ đây khoản góp vốn này được chuyển giao hoàn toàn cho SSG. Việc bất ngờ ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng khiến giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của CSG chỉ còn hơn 5.400 đồng, tức chỉ số giá cổ phiếu thị trường trên sổ sách (P/B) hiện lên đến 3 lần, cao gấp đôi so với mặt bằng chung của thị trường.
Trong khi đó, triển vọng kinh doanh trong các năm tới của CSG chưa được lạc quan. Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận được đặt ra chỉ là 775 tỉ đồng và 50 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số thực hiện của năm 2015 (lần lượt là 1.046 tỉ đồng và 85,5 tỉ đồng). Nguyên nhân là do các dự án khủng của CSG vẫn triển khai chậm. Chẳng hạn, dự án trọng điểm CSG - Hiệp Phước hiện vẫn triển khai chậm tiến độ kể từ năm 2008 vì thiếu vốn và thủ tục phức tạp. Theo chia sẻ của lãnh đạo CSG, dự kiến đến cuối năm nay, giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào khai khác và cần nhiều khoản đầu tư nữa để đảm bảo hiệu quả như mong muốn.
Nhưng sau khi hoàn thành, bài toán cạnh tranh của CSG - Hiệp Phước với các đối khủ khác như Cảng Cát Lái (quận 2) cũng là câu hỏi lớn, trong khi các liên doanh tại Cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa có kế hoạch khắc phục khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Khi xét tình hình này, với mong muốn bảo toàn vốn đầu tư, việc VPBank và VietinBank muốn thoái vốn khỏi CSG cũng là điều dễ thông cảm.
Nhưng có thể còn một nguyên nhân khác khiến cho các đối tác chiến lược của CSG xin rút sớm. Đó chính là dự án phức hợp Nhà Rồng Khánh Hội, con át chủ bài trong quá trình cổ phần hóa CSG, đang có vấn đề. Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo CSG cho biết đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty Ngọc Viễn Đông - đơn vị được lập ra cùng với các đối tác khác để phát triển dự án phức hợp Nhà Rồng - Khánh hội.
Lý do đưa ra là CSG không còn... đủ tiền để góp vốn vào liên doanh này. Bởi vì, dự án Nhà Rồng - Khánh Hội đã tăng quy mô lên đến 17.000 tỉ đồng, tăng thêm 6.000 tỉ đồng so với dự kiến vào năm trước. Tương ứng vốn điều lệ của Ngọc Viễn Đông phải tăng lên đến 5.000 tỉ đồng mới đáp ứng được yêu cầu năng lực tài chính trước khi đi vay. Để giữ được tỉ lệ sở hữu 26% trong Ngọc Viễn Đông, CSG phải góp thêm 1.100 tỉ đồng nữa.
VietinBank và VPBank thoái vốn khỏi CSG sau chưa đầy 1 năm nắm giữ cổ phần - Ảnh: Sơn Phạm |
Vấn đề là khi phương án thoái lui được thực hiện, một trong những tài sản giá trị nhất của CSG sẽ không còn nữa và kèm theo sẽ mất đi khoản lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng. Một phép tính sơ bộ có thể chứng minh cho điều này. Theo phân tích của các chuyên gia, một dự án căn hộ cao cấp tại vị trí đắc địa như Nhà Rồng - Khánh Hội nếu triển khai tốt và gặp thị trường thuận lợi sẽ có cơ hội nhận được siêu lợi nhuận.
Dĩ nhiên, kết quả thực thi sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến thực tế của thị trường. NCĐT tạm sử dụng tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khi triển khai dự án này ở mức thông thường là 20% như đa số các doanh nghiệp khác. Theo đó, lợi nhuận mà Ngọc Viễn Đông thu về có thể lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, phần CSG được chia sẽ lên đến 260 tỉ đồng, tức lãi nhiều lần so với hoạt động kinh doanh chính là hạ tầng cảng biển. Nếu biết trước đã mất đi phần bánh ngon thì lẽ nào, VietinBank và VPBank còn mặn mà với CSG.
Nguyễn Sơn