Thứ Năm | 22/11/2012 18:15

VFM: Tiền mặt tăng 110 tỷ đồng nhờ bán cổ phiếu ngân hàng

VF1, VF4 thánh hoán ròng cổ phiếu ngành ngân hàng nhằm tránh những rủi ro ảnh hưởng đến giá.
Công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (Vinafund) công bố báo cáo hoạt động 3 quỹ gồm Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1), Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VF4), Quỹ đầu tư Năng Động Việt Nam (VFA) trong tháng 10.

Trong tháng 10, xu hướng chính của thị trường chứng khoán là đi ngang và tích luỹ với khối lượng và giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp. Kinh tế vĩ mô cũng như tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa có nhiều biến chuyển tích cực.

VF1 và VF1 tăng trưởng bất chấp thị trường giảm

Hai chỉ số VN-Index và HN-Index giảm lần lượt là 1,1% và 4,4% trong tháng, tuy nhiên, giá trị tài sản ròng (NAV) của VF1 và VF4 lại tăng.

Trong kỳ, quỹ đầu tư VF1 ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% nhờ vào sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành Thực phẩm và Năng lượng. Trong khi đó, quỹ đầu tư VF4 ghi nhận mức tăng trưởng 1,1% nhờ vào tăng trưởng về thị giá của các cổ phiếu thuộc ngành Thực phẩm và Nước giải khát, Thuốc Lá và ngành Dược phẩm.

Kết thúc tháng 10, NAV của VF1 đạt 14.636 đồng/chứng chỉ quỹ, trong khi VF4 đạt 6.237 đồng/chứng chỉ quỹ. Trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), nơi 2 chứng chỉ quỹ này niêm yết, đóng cửa phiên cuối tháng 10, thị giá VF1 và VF4 lần lượt đạt 7.400 đồng và 4.100 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 1,3% và 6,8% so với cuối tháng 9.

Như vậy, tại thời điểm cuối tháng 10, tỷ lệ chiết khấu của VF1 và VF4 lần lượt lên tới 49,4% và 34,2%.

Top 5 cổ phiếu trong danh mục đầu tư VF4
Nguồn: VFM
Nguồn: VFM

Thanh hoán ròng cổ phiếu ngân hàng

Trong tháng 10, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục đầu tư của VF1 giảm xuống 73,4% NAV, từ mức 80,7% NAV cuối tháng 9 do hoạt động thanh hoán ròng. Do vậy, tỷ trọng tiền mặt tăng từ 10,64% NAV tại 30/9/2012 lên 17,75% NAV tại 31/10/2012, tương đương tăng khoảng 105 tỷ đồng.

VF1 tiếp tục thanh hoán hết cổ phiếu ngành ngân hàng nhằm tránh những rủi ro ảnh hưởng đến giá. Tại 31/10/2012, tỷ trọng ngành ngân hàng chỉ còn chiếm 0,3% NAV, so với 6,5% NAV cuối tháng 9. Còn lại, cơ cấu danh mục đầu tư theo ngành của VF1 không thay đổi nhiều.

Tính đến 31/10/2012, danh mục đầu tư của VF1 gồm 34 cổ phiếu thuộc 13 nhóm ngành. Trong đó, 5 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là Vật liệu; Thực phẩm, Nước giải khát và Thuốc lá; Bất động sản; Năng lượng, Dịch vụ Tài chính.

Tỷ trọng cổ phiếu OTC & Upcom và Trái phiếu không thay đổi so với tháng trước, lần lượt đạt 7,1% NAV và 1,7% NAV.

Với VF4, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết giảm từ 84,5% NAV tại 30/9/2012 xuống 83,6% NAV tại 31/10/2012 do hoạt động thanh hoán ròng trong kỳ. Tỷ trọng tiền mặt do đó cũng tăng lên 16,4% NAV, từ mức 15,5% NAV cuối tháng 9, tương đương tăng 5,4 tỷ đồng.

Cơ cấu danh mục đầu tư VF1 (trái) và VF4 (phải)
Nguồn: VFM
Nguồn: VFM

Cũng giống như VF1, VF4 thực hiện thanh hoán ròng với cổ phiếu ngành ngân hàng, khiến tỷ trọng nhóm ngành này giảm từ 15% NAV cuối tháng 9 xuống còn 13,4% NAV cuối tháng 10. Các ngành Hàng hóa công nghiệp và Bán lẻ bị giảm tỷ trọng do thị giá cổ phiếu giảm.

Tính đến 31/10/2012, danh mục đầu tư của VF4 bao gồm 19 cổ phiếu thuộc 9 nhóm ngành, trong đó 5 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là Thực phẩm, Nước giải khát và Thuốc lá; Vật liệu; Ngân hàng; Dịch vụ Tài chính; Bán lẻ.

VFA: Tỷ lệ chiết khấu lên gần 55%, NAV tiếp tục giảm

Hết tháng 10, NAV quỹ VFA đạt 6.903,5 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 0,2% trong tháng. Lũy kế từ khi hoạt động, NAV của Quỹ đầu tư VFA giảm 31%, cao hơn với mức giảm của VN-Index và tương đương với 46% mức giảm của HNX-Index.

Trên HSX, thị giá của VFA tính tại 31/10/2012 đạt 4.500 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 2,2% so với cuối tháng 9. Tỷ lệ chiết khấu của quỹ này cuối tháng 10 lên tới 53,4%.

Trước tình hình tỷ lệ chiết khấu lên cao và thanh khoản thấp, ngày 5/12 tới, VFA sẽ triệu tập đại hội nhà đầu tư để lấy ý kiến về chuyển đổi sang quỹ mở.

Tháng 10/2012, chiến lược MATF trên cổ phiếu thực hiện tín hiệu mua một phần và làm tăng tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ của chiến lược này từ 1,5%NAV lên mức 8,1% NAV. Tỷ trọng chiến lược đầu tư rổ cổ phiếu VN30 giảm nhẹ từ 27,4% xuống còn 25,0% chủ yếu do sự giảm giá của thị trường.

Do việc giải ngân của chiến lược MATF trên cổ phiếu nên tỷ trọng tiền mặt giảm từ 71,1% NAV xuống còn 67% NAV.

Với việc VFA thực hiện giải ngân ròng trong tháng 10/2012, tỷ trọng cổ phiếu sàn HSX cũng tăng từ 25,3% NAV lên 31,3% NAV. Các cổ phiếu sàn HNX được tái cơ cấu và chuyển sang các cổ phiếu sàn HSX nên tỷ trọng giảm từ 2,9% NAV xuống còn 1,1% NAV.

Nguồn Khampha


Sự kiện