Thứ Năm | 28/06/2012 12:31

VFM có thêm gần 130 tỷ đồng trong tháng 5 nhờ thanh hoán và chốt lời cổ phiếu

Cuối tháng 5, tiền và tài sản khác của 3 quỹ thuộc VFM đang niêm yết trên HSX đạt 259,2 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối tháng 4.
Theo báo cáo hoạt động tháng 5 của công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (Vinafund - VFM), tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của 3 quỹ đang niên yết trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, gồm VF1, VF4, VFA đến ngày 31/5 đạt 2.280,5 tỷ đồng, giảm 123,7 tỷ đồng (tương đương giảm 5,1%) so với cuối tháng 4. VN-Index trong tháng 5 cũng giảm tới 9,4%.

Đáng chú ý, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết trong NAV của quỹ VF1 và VF4 đều giảm so với cuối tháng 4, trong khi tỷ trọng tiền mặt lại tăng, chủ yếu do các quỹ thực hiện hoạt động thanh hoán và chốt lời cổ phiếu.

Ngoài ra, tỷ lệ chiết khấu (mức chênh lệch giữa NAV và thị giá chứng chỉ quỹ) của cả 3 quỹ đến 31/5 lần lượt là 44%, 21% và 25%.

NAV 31/5

So 30/4

So đầu năm

Thị giá 31/5

Tỷ lệ chiết khấu

VF1

15.664

-5,2%

20,6%

8.800

-44%

VF4

6.701

-5,3%

21,6%

5.300

-21%

VFA

7.224,7

-4,2%

1,2%

5.400

-25%


Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1)

Kết thúc tháng 5/2012, NAV của VF1 đạt 1.566,4 tỷ đồng, giảm 5,2%, song so với đầu năm, NAV của quỹ lại tăng 20,6%.

Trong cơ cấu tài sản của quỹ, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết cuối tháng giảm còn 84,4% NAV, từ mức 86,4% NAV do hoạt động thanh hoán cũng như sự suy giảm nhẹ của giá trị cổ phiếu. Hoạt động thanh hoán cũng làm tỷ trọng cổ phiếu chưa niêm yết giảm từ 8,8% xuống 7%. Như vậy, tổng giá trị danh mục đầu tư của quỹ đã giảm 204,4 tỷ đồng trong tháng.

Cơ cấu danh mục và tỷ trọng đầu tư của VF1
Đơn vị: % NAV

Nguồn: VF1
Nguồn: VF1

Kết thúc tháng 5, thứ tự tỷ trọng trong danh mục đầu tư theo nhóm ngành của VF1 có sự thay đổi. Nhóm năng lượng từ vị trí thứ 5 tụt xuống vị trí thứ 7, nhường chỗ cho nhóm bán lẻ; nhóm dịch vụ tài chính vươn từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 6.

Ngoài ra, tỷ trọng của ngành ngân hàng, tiện ích công cộng, và bất động sản lần lượt giảm xuống 10,3%, 1,8%, và 13,5% do hoạt động thanh hoán và sụt giảm thị giá, tỷ trọng của các ngành khác cũng giảm nhẹ do thị giá cổ phiếu giảm. Tỷ trọng 4 ngành chính là hạ tầng - bất động sản, thực phẩm - NGK, vật liệu - khai khoáng và ngân hàng chiếm 56,2% NAV của danh mục.

Trong tháng 5, tỷ trọng tiền mặt của quỹ đầu tư VF1 tăng từ 3,3% lên 6,9%, tương đương tăng 53,5 tỷ đồng nhờ hoạt động chốt lời ở một số cổ phiếu.

Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4)

NAV của quỹ tại 31/5 đạt 540,4 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cuối tháng 5. Tỷ trọng cổ phiếu niêm yết giảm xuống 93,1% và tỷ trọng tiền mặt tăng từ 1,9% lên 6,9% (tăng 26,5 tỷ đồng) do thanh hoán ròng, nhằm thực hiện hóa một phần lợi nhuận trong tháng. Tỷ trọng cổ phiếu chưa niêm yết cũng giảm xuống 0% do cổ phiếu được niêm yết trong tháng 5.

Nhóm ngân hàng vẫn duy trì tỷ trọng lớn nhất trong danh mục với 20,7%. Tỷ trọng ngành hàng hóa công nghiệp, dệt may và tiêu dùng giảm so với tháng trước.

Cơ cấu danh mục và tỷ trọng đầu tư của VF4
Đơn vị: %NAV

Cơ cấu danh mục và tỷ trọng đầu tư của VF4
Nguồn: VF4


Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFA)

NAV của quỹ cuối tháng 5 đạt 173,7 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cuối tháng trước. Tính từ đầu năm, NAV của quỹ tăng 1,2%.

Trong danh mục đầu tư của quỹ tính đến cuối tháng 5, chiến lược MATF (*) thực hiện các tín hiệu bán trên các cổ phiếu sàn HSX và sàn HNX nên tỷ trọng của chiến lược này giảm từ 55,8% NAV xuống còn 27,6% NAV. Tỷ trọng của chiến lược đầu tư dựa trên biến động của cổ phiếu tiềm năng giảm từ 7,8% xuống 6,8%, chủ yếu đến từ sự thay đổi về giá.

Cơ cấu danh mục và tỷ trọng đầu tư của VFA
Đơn vị: %NAV

Nguồn: VFA
Nguồn: VFA


Trong tháng, chiến lược MATF có mức thanh hoán trên 2 sàn HSX và HNX tương đương nhau nên tỷ trọng cổ phiếu trên 2 sàn đều giảm. Tỷ lệ tiền mặt vì thế cũng tăng từ 36,5% lên 65.5% NAV, tương đương tăng 47,7 tỷ đồng.

(*) Quỹ đầu tư VFA sử dụng mô hình đầu tư phân tích định lượng (Quant, gồm phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích thống kê) để thực hiện các chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, chiến lược đầu tư theo xu hướng dựa trên hệ số bình quân - MATF (Model-Averaging-Trend-following) áp dụng phương pháp quản trị rủi ro đa dạng hóa thời điểm mua bán đồng thời đa dạng hóa chứng khoán mua bán.

Nguồn DVT/VFM


Sự kiện