Kịch bản cơ sở trong năm nay nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 5,7%. Ảnh: TL.
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 5,2 - 6,2%
Tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ vừa tổ chức, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra con số dự báo về tăng trưởng kinh tế 2022.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, TS Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô 2021 và quý I-2022, nhóm nghiên cứu đã tính toán và đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Cụ thể, với kịch bản cơ sở trong năm nay nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 5,7%.
Với kịch bản khả quan, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không gián đoạn do nước này thực hiện chính sách Zero COVID, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%.
Kịch bản xấu nhất trong trường hợp chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn do chính sách Zero COVID của Trung Quốc, nền kinh tế chỉ đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay.
TS Trần Toàn Thắng cho rằng bài toán Trung Quốc trong phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta rất quan trọng, trong khi Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chính sách Zero-COVID.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, rủi ro lớn nhất của cả thế giới hiện nay là lạm phát, 60% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát bày tỏ lo ngại rủi ro lạm phát.
Chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay dự báo khoảng 6,2%, so với năm ngoái chỉ 4,2%, tăng kinh khủng, vì vậy hầu hết Ngân hàng Trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất, hệ lụy rất lớn.
Với Việt Nam, ông Lực nhận định lạm phát năm nay phải gấp đôi năm ngoái trở lên, khoảng trên 4%. Thế khó chính sách hiện nay là tăng lãi suất hay không tăng. Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng tăng lãi suất lại kiềm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết.
Bên cạnh đó, ông Lực cũng chỉ ra một số lo ngại khác với kinh tế Việt Nam là chất lượng tăng trưởng hai năm vừa qua bị thay đổi, năng suất lao động rất thấp, chỉ tăng khoảng 4-4,5%, thấp hơn nhiều năm trước đó. Trong khi thị trường tài chính, thị trường bất động sản lại phát sinh quá nhiều vấn đề.
Năm 2025 phấn đấu có 10 doanh nghiệp nhà nước vốn hóa trên 5 tỉ USD