Hồ Điệp Thứ Tư | 15/08/2018 08:30

VEF mang ngàn tỉ vào phim

Lần đầu tiên điện ảnh có quỹ đầu tư ngàn tỉ đồng để hỗ trợ các đơn vị sản xuất phim.

Lần đầu tiên điện ảnh có quỹ đầu tư ngàn tỉ đồng để hỗ trợ các đơn vị sản xuất phim.

Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam Giải trí vừa công bố Quỹ Đầu tư Việt Nam Giải trí (VEF), với sự góp vốn của Yeah1 CMG, R&B Capital, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International. Trong đó, Yeah1 CMG, thành viên chủ chốt trong liên doanh, là công ty con của Yeah1 Group (YEG).

Bản chất của VEF được thiết kế để nhận vốn từ nhà đầu tư và tài trợ trực tiếp vào dự án sản xuất phim. Đưa ra mức cổ tức hấp dẫn, VEF hứa hẹn sẽ chi trả cho nhà đầu tư tối thiểu 8%/năm trong biên độ 2018-2019 và mức cổ tức tối thiểu 10,5% trong các năm 2020-2022. Theo dự kiến, VEF sau đó sẽ tiến hành IPO trên sàn chứng khoán và định giá ít nhất 5 lần giá trị đầu tư ban đầu.

Nhà đầu tư cân nhắc

Quỹ VEF là một dạng quỹ đầu tư về giải trí mở hoạt động theo mô hình công ty holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác) đầu tiên tại Việt Nam, có giá trị vốn hóa 50 triệu USD, do VinaCapital Fund Management (VCFM) tư vấn thành lập.

Theo kế hoạch, VEF kỳ vọng sẽ chuyển hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua việc tăng giá trị vốn và tỉ suất cổ tức, trong đó bao gồm tài sản sở hữu trí tuệ (IP), kênh quảng cáo tại rạp và tài sản cố định (cổ phần rạp chiếu phim). Danh mục đầu tư ban đầu gồm 30 dự án điện ảnh hạng A, 20 dự án hạng B; mua bản quyền tất cả các phim đã phát hành giai đoạn năm 2013-2017; quảng cáo tại rạp chiếu phim dự kiến sẽ là 26 rạp trong giai đoạn năm 2018-2019 và tăng lên trên 40 cụm rạp vào năm 2022. VEF cũng công bố những dự án điện ảnh chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm 2018, Quỹ sẽ tham gia góp vốn trong các dự án: Trường Học Bá Vương, Tiểu Thư Đi Bụi, Gameshow Tử Thần, Thiên Linh Cái và Thánh Nữ...

VEF mang ngan ti vao phim
 

Hiện nay kinh phí để sản xuất một bộ phim trung bình khoảng trên dưới 10 tỉ đồng. Nếu bộ phim có sử dụng những công nghệ điện ảnh đi kèm thì chi phí sẽ cao hơn. Bỏ ra số vốn làm phim không hề nhỏ như vậy nhưng không phải bộ phim nào cũng có lãi và lãi lớn. Về lý thuyết, việc các nhà đầu tư cùng nhau đóng góp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích dành cho các nhà làm phim. Vì càng nhiều nhà đầu tư rủi ro cho phim càng ít, nên nhà sản xuất càng mạnh dạn tung ra nhiều dự án phim mới.

Kế hoạch được phác thảo rất chi tiết, nhưng đường còn dài và khó khăn nếu VEF chưa giải quyết các trăn trở sau cho nhà đầu tư: doanh thu quảng cáo từ đâu đến, cụm rạp mới sẽ cạnh tranh ra sao với đối thủ hiện tại, nguồn cung kịch bản hấp dẫn và hiến chương quản lý của hội đồng đầu tư (Charter of Investment Committee) - những điều khoản quy định tách bạch giữa quản lý quỹ và quy trình đầu tư vào nhà sản xuất phim.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường kênh quảng cáo tại rạp bị chi phối bởi những tên tuổi lớn như CGV, Lotte, Galaxy, BHD. Trong đó, CGV là đơn vị nắm thị phần chi phối lớn nhất, với trên 50 cụm rạp (313 màn chiếu) trải dài trên 12 tỉnh thành cả nước. Sau CGV, danh sách các đơn vị rạp chiếu chủ chốt gồm: Lotte (29 cụm rạp - 133 màn chiếu - 19 tỉnh thành), Galaxy (14 cụm rạp - trên 84 màn chiếu - 7 tỉnh thành), BHD (8 cụm rạp - trên 48 màn chiếu - 3 tỉnh thành).

VEF mang ngan ti vao phim
 

Theo kế hoạch, VEF dự kiến sẽ hợp tác với cụm rạp Starlight, Beta Cineplex, EVC để mua bản quyền quảng cáo... Theo tìm hiểu sơ bộ, tổng số rạp của các đơn vị kể trên dao động tầm 21 cụm rạp, chủ yếu tập trung tại cái tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, EVC là đơn vị chuyên cung cấp hệ thống máy chiếu kỹ thuật số và thiết bị âm thanh cho cụm rạp. Việc VEF đầu tư liên kết và mua bản quyền quảng cáo từ các đơn vị trên liệu có khả thi khi đây là kênh thu chủ lực của họ bên cạnh việc bán vé? Dù có thể hợp tác, VEF sẽ phải trả mức giá nào để nhượng quyền màn chiếu từ các đơn vị rạp chiếu phim trên?

Bài toán con gà quả trứng gây khó khăn không nhỏ với VEF khi họ chưa có tài sản thực tế để tạo dòng tiền là cụm rạp, việc “mượn” rạp có lẽ sẽ gây không ít rủi ro về việc tạo nên dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư. Đáng lẽ từ ban đầu, VEF đã nên cân nhắc việc hợp tác với một đơn vị có hệ thống rạp chiếu bao phủ rộng khắp để tạo đòn bẩy cho uy tín của Quỹ Đầu tư Việt Nam Giải trí khi nhà đầu tư mua cổ phần. Với lời hứa 8%/năm và nếu việc kinh doanh quảng cáo không hiệu quả, nhiều khả năng kịch bản khả thi của VEF là sử dụng vốn chủ sở hữu để chi trả lợi tức cam kết cho cổ đông. Đây là điều mà không phải nhà đầu tư nào cũng muốn.

Áp lực lợi nhuận

Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh nếu xây dựng cụm rạp mới để đối đầu với các tên tuổi lớn đến từ Hàn Quốc như Lotte hay CGV không phải là điều dễ dàng. Theo ý kiến một chuyên gia trong ngành điện ảnh, đầu tư một cụm rạp (6 phòng chiếu) dao động từ 50-80 tỉ đồng. Nếu so với sức mạnh về vốn và sự phát triển cụm rạp nhanh chóng như CJ-CGV hay Lotte Cinema, thì khó có doanh nghiệp Việt Nam nào cạnh tranh.

Các doanh nghiệp nước ngoài vốn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, trong khi doanh nghiệp Việt kinh doanh văn hóa phải chịu mức thuế 20-25% doanh thu. Có thể ước tính, nếu đến năm 2020, VEF có 10 cụm rạp, đồng nghĩa đơn vị này sẽ phải chi hơn 800 tỉ đồng (tương đương gần 33,7 triệu USD).

Theo nhiều nguồn tin, sau khi khai trương cụm rạp thứ 50 của CJ CGV vào tháng 9.2017, đơn vị này dự kiến sẽ đầu tư ít nhất 200 triệu USD để mở rộng mạng lưới cụm rạp trên toàn quốc. Tốc độ khai trương rạp trung bình của CJ CGV được ước lượng ở mức 12-15 rạp mới mỗi năm, với kinh phí đầu tư từ 4-7 triệu USD/rạp. Càng nhiều rạp thì sức mạnh thương thuyết phát chương trình quảng cáo càng lớn. Khi CGV và Lotte chiếm phần lớn thị phần quảng cáo tất nhiên miếng bánh cho VEF sẽ nhỏ lại và buộc phải tìm nguồn thu bổ sung.

Vấn đề trăn trở khác là nguồn cung nội dung kịch bản hấp dẫn. VEF dự định đầu tư tới 30 dự án điện ảnh hạng A, nhưng nguồn kịch bản sẽ đến từ đâu? Thị trường điện ảnh Việt Nam tuy có phát triển nhưng đến nay phim Việt Nam vẫn mới chỉ chiếm 25% thị phần, nguyên nhân là do đang thiếu kịch bản hay để sản xuất.

Với sự tư vấn của VinaCapital, tin chắc VEF hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo toàn lợi ích nhà đầu tư. Nói chi tiết hơn, VEF cần phải tách bạch trong việc vận hành quỹ và không đầu tư vào các đơn vị sản xuất phim có ràng buộc lợi ích với các thành viên sáng lập VEF. Tại buổi họp báo, đại diện VEF cho biết Công ty sẽ chỉ hoạt động trên mô hình holdings, tức đầu tư vào những đơn vị làm phim, tuyệt đối không sản xuất phim cạnh tranh với chính đối tác của mình. Nhưng các đơn vị làm phim đó là ai?

Hoạt động thẩm tra (Due Dilligence) cần phải tiến hành thường xuyên nhằm bảo đảm tiền của nhà đầu tư không “rót” vào các đơn vị sản xuất phim sân sau của các đơn vị sáng lập, vì đó chính là vừa đá bóng vừa thổi còi - không gì có thể bảo đảm VEF sẽ còn tiếp tục hành động trên lợi ích tốt nhất của nhà đầu tư. Thêm nữa, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rủi ro khi tác nghiệp điện ảnh cũng sẽ dịch chuyển thiếu công bằng từ nhà sản xuất phim sang cho nhà đầu tư.

Mô hình như VEF đã triển khai từ lâu và thành công ở nhiều nước có ngành công nghiệp phim phát triển của thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... như Quỹ Hoạt hình CA-Cygames, Quỹ Marvel Studios, Quỹ Anime Trung Quốc - Nhật. Kinh nghiệm này khiến ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG), tự tin hơn khi xây dựng một hệ sinh thái phim ảnh, trong đó có VEF.

“Đây là cuộc chơi của các nhà sản xuất phim Việt, cùng nhau góp sức cho những sản phẩm có giá trị và hướng tới mục tiêu là thị trường quốc tế”, ông Tống cho biết. Thực tế, theo ông Tống, một số bộ phim mà VEF đầu tư đang được đưa vào thị trường các nước khu vực như Malaysia, Indonsia, Thái Lan và Philippines.