Trước đó, một nhà đầu tư khác đến từ Thái Lan là SCG Group đã thông qua công ty thành viên để mua lại 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân. Ảnh minh họa: Yumi Kotani/asia.nikkei.com

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 05/04/2022 07:30

Về đâu ngành nhựa Việt?

Những tên tuổi đầu ngành nhựa Việt Nam đều lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhựa Ngọc Nghĩa, doanh nghiệp đứng đầu về thị phần ngành bao bì PET, đang tiến hành những bước cuối cùng cho việc “đổi chủ”. Nếu không có gì thay đổi, Indorama Nertherlands BV, công ty đến từ Hà Lan nhưng thực chất thuộc Indorama Ventures (Thái Lan), sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu mà cổ đông lớn, cổ đông sáng lập ở Ngọc Nghĩa bán ra. 

Trước đó, một nhà đầu tư khác đến từ Thái Lan là SCG Group đã thông qua công ty thành viên để mua lại 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân. Trước thương vụ Duy Tân, TCG Solutions thuộc SCG Group cũng thâu tóm Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI). Và những cái tên như Nhựa Bình Minh, Tín Thành (Batico) đều rơi vào tay người Thái.

 

Không chỉ người Thái mà người Hàn, người Nhật cũng đưa ngành nhựa vào tầm ngắm. Sau khi mua lại Bao bì Minh Việt từ Masan, Dongwon Systems (Hàn Quốc) gia tăng đầu tư vào Nhựa Tân Tiến. Sekisui Chemical (Nhật) cũng nhanh chóng thế chân SCG trở thành cổ đông lớn tại Nhựa Tiền Phong. Hay MeiwaPaX đã chi 16,5 triệu USD mua Bao bì Sài Gòn (Sapaco); Oji Holdings Corporation mua Bao bì United; Sagasiki Vietnam mua In và Bao bì Goldsun...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2010-2020, ngành nhựa Việt Nam là một trong những ngành hấp dẫn, với mức tăng trưởng hằng năm 16-18%. Nhựa Việt cũng đã hiện diện ở gần 160 quốc gia. Năm 2022, theo khảo sát của Vietnam Report, ngành bao bì sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và có thể tăng trưởng cao hơn một chút so với năm 2021.

Dù vậy, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, xuất khẩu nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Và hơn 66% giá trị xuất khẩu đến từ bao bì nhựa. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) xác nhận, bao bì nhựa đã thu hút gần 1/4 trong hơn 2.000 công ty nhựa. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này ở quy mô nhỏ và vừa, ít chú ý đến đầu tư công nghệ máy móc nên sản phẩm nhựa Việt nằm ở phân khúc thấp, ít khả năng cạnh tranh.

Ở thị trường xuất khẩu, bao bì nhựa Việt đang đối mặt với những hạn chế đến từ xu hướng châu Âu dịch chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, còn Mỹ vẫn áp thuế chống phá giá lên túi nhựa PE nhập từ Việt Nam.

hầu hết các công ty này ở quy mô nhỏ và vừa, ít chú ý đến đầu tư công nghệ máy móc nên sản phẩm nhựa Việt nằm ở phân khúc thấp, ít khả năng cạnh tranh. Ảnh: TL.
hầu hết các công ty này ở quy mô nhỏ và vừa, ít chú ý đến đầu tư công nghệ máy móc nên sản phẩm nhựa Việt nằm ở phân khúc thấp, ít khả năng cạnh tranh. Ảnh: TL.

Nội tại ngành nhựa cũng có nhiều khó khăn. “Nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15-25% nhu cầu, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu”, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho biết. Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ cho nhựa cũng như nguồn nguyên liệu nhựa tái sinh ở Việt Nam chưa phát triển. Vì thế, muốn ổn định kinh doanh, doanh nghiệp nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn và chịu sức ép tài chính không nhỏ.

Khó khăn khác, theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký của VPA, là từ năm 2022, doanh nghiệp nhựa phải thực hiện Luật Bảo vệ môi trường theo quy định mới là Nghị định 08/NĐ-CP với yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu nhựa phải có 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Các doanh nghiệp có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Với các khó khăn trên, dù dẫn đầu ngành bao bì PET và có trong tay những đối tác lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk, Nhựa Ngọc Nghĩa đành rời cuộc chơi. Thực tế, Nhựa Ngọc Nghĩa đã nhìn thấy khó khăn của ngành nhựa từ gần 15 năm trước và giảm phụ thuộc vào bao bì nhựa bằng cách mở rộng sang các lĩnh vực mới như thực phẩm.

 

Tuy nhiên, quá trình lấn sân của Nhựa Ngọc Nghĩa không được như ý và bị nợ nần. Công ty đành quay về ngành cốt lõi là bao bì PET và vào năm 2019 bắt tay cùng VinaCapital với hy vọng vực dậy Công ty. Nhưng áp lực cạnh tranh khiến Nhựa Ngọc Nghĩa dù cải thiện được kinh doanh vẫn khó lòng tăng trưởng. Doanh thu những năm gần đây chỉ quanh mức 1.600-1.800 tỉ đồng. Chủ sáng lập là gia đình ông La Văn Hoàng đã quyết định thoái vốn để giúp Công ty cởi nút thắt tăng trưởng, mở rộng xuất khẩu với sự giúp sức của Indorama Ventures.

Trước thách thức của ngành nhựa, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp trong nước phải cải tiến công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô nhà máy. Đây là điều Nhựa Rạng Đông, Nhựa Đông Á, An Phát Holdings... đang nỗ lực thực hiện. An Phát, chẳng hạn, bắt tay với Technip Energies xây nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh PBAT. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Theo ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc An Phát Holdings, đây là bước đi chiến lược giúp An Phát tăng trưởng bền vững trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt khi ngành nhựa thế giới đang chuyển dịch sang sản phẩm thân thiện môi trường.

Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa và phát triển công nghiệp phụ trợ. Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, thì đề xuất những chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp ngành nhựa bứt phá