Về 3 cổ đông của công ty ông Huỳnh Uy Dũng
Đầu tháng 11, khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) tuyên bố đóng cửa đến hết năm, sau quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc - Huỳnh Uy Dũng. Sự kiện này gây nhiều câu hỏi trong dư luận, trong đó có việc ông Dũng "Lò Vôi" liệu có được toàn quyền đưa ra quyết định đóng cửa khu du lịch nổi tiếng này?
Theo nguồn tin của VnExpress, hiện Công ty cổ phần Đại Nam có 3 cổ đông với tổng số 207.000 cổ phần. Tuy nhiên, ông Huỳnh Uy Dũng là người sở hữu gần như toàn bộ vốn với 206.842 cổ phần. 2 cổ đông còn lại là bà Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Dũng và ông Nguyễn Hữu Phước - Phó tổng giám đốc Công ty đều nắm giữ 79 cổ phần.
Tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất năm 2014, theo đề xuất của ông Dũng, đại hội từng thông qua việc sử dụng toàn bộ lợi nhuận của Công ty cổ phần Đại Nam từ hoạt động kinh doanh các khu công nghiệp, các khu dân cư và du lịch từ năm 2014 đến 2030 tài trợ cho chương trình kiểm soát và mổ tim cho trẻ em nghèo.
Nhiều đối tác cung cấp dịch vụ trong Khu du lịch Đại Nam sẽ chịu thiệt hại sau quyết định đóng cửa của chủ đầu tư. Ảnh: Nguyệt Triều |
Theo số liệu ghi nhận, mỗi năm khu du lịch Đại Nam đón khoảng 2 triệu lượt khách. Những ngày bình thường, giá vé vào cổng, vé tại các khu biển, vườn thú 80.000-100.000 đồng một người mỗi khu, còn vé các trò chơi cũng từ 20.000 đến 50.000 đồng, cá biệt có những trò chơi với giá vé 80.000-115.000 đồng... Tính tổng cộng giá vé “trọn gói” để vào cổng và chơi hết các trò không dưới 400.000 đồng một khách tham quan..
Theo nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong các khu vực bị đóng cửa, mặc dù chủ đầu tư hứa miễn giảm tiền thuê mặt bằng nhưng họ vẫn bị mất doanh thu. Ngoài ra, lao động của các nhà cung cấp dịch vụ này chủ yếu là lao động thời vụ, nên việc đóng cửa gần 2 tháng sẽ khiến những lao động này phải nghỉ việc.
Trao đổi với VnExpress, ông chủ khu du lịch Đại Nam cho biết đang ở Australia nghỉ dưỡng. Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết dù đóng cửa đến hết năm, nhân viên tại khu du lịch vẫn sẽ nhận được 100% lương cho khoảng thời gian này. “Nếu không còn mở cửa trở lại được nữa thì tôi thanh lý tài sản. Những người đã làm cho tôi đều là người nhà, anh em chí cốt. Tôi may mắn không nợ, chứ nợ mà đóng cửa thì tôi ‘chết’ liền”, ông Dũng nói.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó chủ tịch Thường trực Trần Văn Nam cho biết: “Việc đóng cửa khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương rất lấy làm tiếc vì người dân trong và ngoài tỉnh chịu ít nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Tuy nhiên, việc tạm ngừng hoạt động đó là quyết định của doanh nghiệp và luật không cấm điều này".
Ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thì cho biết, theo nguyên tắc doanh nghiệp có quyền tạm ngưng hoạt động và giải thể, nhưng phải báo cáo cho Sở và cơ quan thuế.
Sau 2 ngày đưa ra thông báo sẽ tạm đóng cửa khu du lịch kể từ 10/11 đến hết năm 2014, ngày 7/11Công ty CP Đại Nam bất ngờ ra thông báo mới, hoãn thời điểm ngưng hoạt động thêm 10 ngày với lý do lượng khách trong thời gian vừa qua đổ về đây quá đông. "Còn rất nhiều người muốn được đến tham quan khu du lịch này trước thời điểm đóng cửa, nên công ty thay vì mở cửa miễn phí đến ngày 9/11 đã quyết định tăng thêm 10 ngày nữa. Đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều người dân Bình Dương và tại các địa phương lân cận", đại diện Công ty chia sẻ.
Theo đó, kể từ 4/11 đến hết 19/11, khu du lịch này sẽ miễn phí vé vào cổng, vé biển, vé vườn thú và các loại vé trò chơi. Riêng các trò chơi liên doanh sẽ vẫn giữ mức giảm giá 50% áp dụng kể từ thông báo trước đó.
Được xây dựng năm 2007 trên diện tích 700 ha tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là một trong những khu du lịch lớn và nổi tiếng nhất tại miền Nam, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 6.000 tỷ đồng.
Nguồn VnExpress