Ảnh: Reatimes

 
An Lê Thứ Tư | 25/12/2019 17:35

VDSC: Nhu cầu HRC trong nước không lớn như Hòa Phát kỳ vọng

Nhu cầu HRC của thị trường không lớn như Hòa Phát kỳ vọng nhưng với mức tiêu thụ nội bộ cao, áp lực tiêu thụ HRC của HPG sẽ thấp hơn Formosa..

Báo cáo về Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - cập nhật sản lượng bán hàng và khu liên hợp gang thép Dung Quất (KLH Dung Quất) của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ban lãnh đạo của HPG tỏ ra khá lạc quan về nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) của thị trường thời gian tới khi đưa ra dẫn chứng về việc Việt Nam đã nhập khẩu 12 triệu tấn HRC trong năm 2019. Cùng kỳ, sản lượng HRC mà Formosa bán ra ở thị trường nội địa là 3 triệu tấn. Vì vậy ban lãnh đạo HPG cho rằng nếu Formosa bán hết sản lượng HRC tối đa sản xuất ra là 5,2 triệu tấn thì thị trường vẫn còn đến 7 triệu tấn để HPG khai thác.

Tuy nhiên trên thực tế, tính đến tháng 11/2019, tổng nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn chỉ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu là 1,6 triệu tấn. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) giả định tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn là 10%/năm và loại trừ nhu cầu cho xuất khẩu vì tính biến động cao. Vì vậy, theo VDSC tính đến năm 2021, sản lượng tiêu thụ HRC nội địa là 5,28 triệu tấn, thấp hơn tổng công suất sản xuất HRC của HPG và Formosa cộng lại (khoảng 7,6-8,2 triệu tấn). Từ so sánh trên, VDSC cho rằng nhu cầu trong nước đối với thép cuộn cán nóng là không cao như HPG kỳ vọng và Tập đoàn này phải chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giải quyết bài toán tồn kho.

Bên cạnh đó, VDSC cho rằng áp lực bán HRC nêu trên của HPG sẽ được giảm xuống đáng kể nhờ vào nhu cầu nội bộ cao. Hiện tại, HPG đang có 3 nhà máy ống thép và 1 nhà máy tôn mạ, có thể sử dụng khoảng 1,15 triệu tấn HRC mỗi năm nếu các nhà máy này hoạt động với hiệu suất 100%.

Báo cáo của VDSC còn cập nhật về sản lượng bán hàng trong tháng 11/2019. Theo đó, HPG đã bán được khoảng 2,5 triệu tấn thép xây dựng, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó thị trường miền Nam và miền Trung có sự tăng trưởng vượt bậc lần lượt ở mức 104,7% và 54,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Đối với tiến độ KLH Dung Quất, HPG đã hoàn thành 90-95% giai đoạn xây dựng và dây chuyền HRC đầu tiên của HPG sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong Quý 2/2020. Về công suất, VDSC đánh giá KLH Dung Quất có thể cung cấp 2,4-3 triệu tấn HRC và 2,33 triệu tấn thép xây dựng, trong đó bao gồm 1,73 triệu tấn thép cây và 0,6 triệu tấn thép cuộn chất lượng cao. Ngoài ra, 4 lò thổi oxy có thể sản xuất 4-4,8 triệu tấn gang lỏng và công suất nhà máy than cốc là 2 triệu tấn mỗi năm.

Cũng theo VDSC, HPG đã thu xếp gần như đầy đủ vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng cho dự án KLH Dung Quất, trong đó Hòa Phát đầu tư 30.000 tỷ đồng, 20.000 tỷ đồng được vay từ các ngân hàng Vietinbank và Vietcombank và 2.000 tỷ còn lại sẽ được bổ sung từ lợi nhuận kinh doanh của công ty. Khoản nợ vay của HPG cho dự án này được ưu đãi lãi suất và sẽ bắt đầu trả nợ gốc vào tháng 8/2020.

► Quân bài Dung Quất của Hòa Phát

► Mỹ áp thuế 456% lên thép Việt: Formosa sẽ được hưởng lợi?