Thứ Tư | 11/03/2015 09:43

VDSC: Người Việt có thể phải gánh gần 9.900 đồng/lít xăng cho các loại thuế phí

Theo tính toán của VDSC, tổng các loại phí và thuế người tiêu dùng Việt Nam đang gánh chịu khoảng 7.888 đồng /lít (khoảng 101,4% so với giá cơ sở).

Người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi từ giá dầu thấp

Theo VDSC, tác động của sự sụt giảm giá dầu thô lên nền kinh tế là một yếu tố cần quan tâm trong năm 2015. Theo dõi diễn biến nền kinh tế những tháng đầu năm, VDSC nhận thấy ảnh hưởng của giá dầu bắt đầu tác động rõ nét hơn đến Việt Nam.

Đầu tiên, dễ thấy lạm phát là yếu tố phản ánh rõ nét và nhanh nhất tác động của việc giá dầu giảm. Theo Tổng cục thống kê (GSO), lạm phát tháng 02/2015 đạt -0,11% và là tháng thứ 4 liên tiếp đạt mức âm. Trong đó, với mức giảm mạnh 4,41%, chỉ số giao thông tiếp tục có tác động mạnh nhất đối với CPI trong tháng này. Đáng lưu ý, giá xăng dầu giảm và giá các mặt hàng khác ổn định đã tác động tích cực đến tiêu dùng nội địa.

Trong hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7% (đã loại trừ yếu tố giá), cao hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% cùng kỳ.

Theo ước tính của VDSC, nếu giá xăng tiếp tục duy trì mặt bằng giá hiện nay (~15.600 đồng/lít), người dân của Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 50.000 tỷ đồng từ khoản chi phí cho nhu cầu xăng dầu trong năm nay. Qua đó, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Bên cạnh người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang là đối tượng tiếp theo sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thấp. Theo HSBC, chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 02/2015 tiếp tục duy trì mức trên 50 tháng thứ 18 tháng liên tiếp. Đáng chú ý, các chỉ số thành phần như chỉ số giá đầu vào đã giảm liên tục 4 tháng.

Nếu như trước đây, giá đầu vào liên tục tăng mạnh và chênh lệch giữa chỉ số giá đầu ra và giá đầu vào luôn âm, thì mức chênh lệch này đang duy trì ở mức dương trong hai tháng đầu năm. VDSC cho rằng với kết quả này, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cải thiện trong quý 1/2015.

Có thể phải gánh gần 9.900 đồng/lít xăng cho các loại thuế phí

Trái ngược với bức tranh của tiêu dùng và sản xuất, VDSC nhận thấy hoạt động xuất nhập khẩu và thu NSNN đã bị ảnh hưởng đáng kể. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, lũy kế hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng nhẹ khoảng 8,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu tăng mạnh, lên đến 16,4%.

Đối với mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ (+37,1% so với cùng kỳ) trong khi giá trị lại giảm mạnh (-59,1% so với cùng kỳ ). Ở chiều nhập khẩu, giá trị mặt hàng xăng dầu cũng giảm tương đương.

Dù mức giảm tương đương song giá bình quân các mặt hàng nhập khẩu liên quan đến dầu thô vẫn cao hơn khoảng 23% so với giá xuất khẩu dầu thô, vì vậy, cán cân thương mại đối với các mặt hàng liên quan đến dầu thô vẫn nghiêng về phía thâm hụt.

Đối với hoạt động thu chi NSNN, theo Bộ tài chính, tình hình thu NSNN trong 2 tháng đầu năm đạt kết quả khá khả quan, đạt ~151,87 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 17,3% so với cùng kỳ). Tuy vậy, VDSC nhận thấy sự sụt giảm của giá dầu đã phản ánh vào thu NSNN, theo đó nguồn thu về dầu thô lũy kế hai tháng giảm mạnh (khoảng 20,2% so với cùng kỳ).

Tác động tiêu cực này phần nào được bù đắp bởi sự gia tăng của nguồn thu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp, tăng khá tốt ~29,3% so với cùng kỳ.

Do rơi vào kỳ nghỉ nên hoạt động chi đầu tư XDCB bị giải ngân chậm lại, do đó, bội chi NSNN trong hai tháng đầu năm tương đối thấp, chỉ bằng 9% dự toán. Khi tốc độ chi tăng lên trong các tháng tiếp theo, bội chi NSNN có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự sụt giảm của giá dầu.

Tựu chung lại, bên cạnh những tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, giá dầu thô giảm đã phần nào phản ánh các tác động tiêu cực lên các chỉ tiêu như cán cân thương mại và thu NSNN, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu mặt hàng dầu thô của Việt Nam.

Sáng ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng/lít lên đến 3.000 đồng/lít và sẽ chính thức được áp dụng từ đầu tháng 05/2015. Dựa trên cách tính xăng dầu hiện nay của Bộ Tài chính (giá cơ sở vào ngày 04/02/2015), giá CIF tính giá cơ sở là 7.782 đồng/lít xăng 92, trong khi đó giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex là 15.670 đồng/lít.

Theo tính toán của VDSC, tổng các loại phí và thuế người tiêu dùng Việt Nam đang gánh chịu khoảng 7.888 đồng /lít (~101,4% so với giá cơ sở). Do đó, với việc áp dụng mức thuế mới, người tiêu dùng sẽ gánh chịu thêm khoảng 25,3% so với mức phí đang chịu hiện nay.

Nguồn NDH