Thông tư 22 sẽ trung hòa vấn đề thanh khoản dư thừa tại ACB. Ảnh: TTVN.
VCSC: Thông tư 22 sẽ giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ACB
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, quy định tỷ lệ LDR tối đa của các Ngân hàng ở mức 85%. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định thông tư mới này sẽ trung hòa vấn đề thanh khoản dư thừa tại Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB).
Tỷ lệ LDR của ACB ở mức 77%. |
Thông tin được VCSC đưa ra, tỷ lệ LDR của ACB (theo Thông tư 36) đã dao động xung quanh mốc 77% trong nhiều năm. Điều này tạo ra áp lực cho nhu cầu huy động vốn của ACB dù tình hình thanh khoản dư thừa được ghi nhận trong danh mục tiền gửi liên ngân hàng. Do đó, VCSC dự báo với việc áp dụng Thông tư 22 sẽ làm giảm áp lực cho huy động khách hàng cũng như tăng khả năng tận dụng lượng tiền mặt dư thừa cho các tài sản sinh lời cao hơn, do đó sẽ mang lại sự tăng trưởng NIM của ACB.
Ngoài ra, VCSC cho rằng tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo thấp sẽ tạo ra dư địa cho diễn biến tiếp tục hoàn nhập dự phòng trong năm 2020. Cụ thể, nếu chu kỳ tín dụng tiếp tục có diễn biến thuận lợi như kỳ vọng, ACB sẽ có triển vọng hoàn nhập thêm dự phòng trong năm 2020 ngoài lượng hoàn nhập đã thực hiện trong năm 2019.
VCSC dự báo lãi ròng của ACB sẽ đạt tăng trưởng trung bình 1,7%/năm trong giai đoạn 2020-2024. Đồng thời, VCSC kỳ vọng NIM của ACB năm 2019 và 2020 tăng 5 điểm cơ bản/năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng lần lượt đạt 17% và 15%.
Đối với mảng bảo hiểm, Công ty chứng khoán này cũng nhận định ACB đang đi đúng hướng nhằm hoàn thành thương vụ bancasurrance độc quyền vào cuối năm 2020. Cụ thể, Manulife đã ký kết hợp đồng phân phối không độc quyền trong tháng 09/2019 và hoạt động cùng AIA nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho ACB.
Khác với AIA, Manulife sẽ triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua kênh Ngân hàng Ưu tiên (Privilege) nhằm tập trung tiếp cận các khách hàng phân khúc cao cấp của ACB. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết 6 tháng 2019, ACB xếp thứ 7 trong doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc. VCSC cho rằng ACB sẽ đạt được thỏa thuận vào quý IV/2020 và phí thâm nhập ứng trước có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho ngân hàng.
VCSC cũng đề cập đến những rủi ro của ACB trong tương lai. Cụ thể việc cạnh tranh có thể tạo áp lực lên việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng này. Ngoài ra, khủng hoảng ngân hàng đến từ tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng chi phí rủi ro tín dụng dựa trên quy mô dư nợ tập trung cho vay bán lẻ tại ACB.
Ở một khía cạnh khác, trong báo cáo cuối tháng 09/2019, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá ACB là Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, giúp đảm bảo rủi ro trong trường hợp có biến động lớn từ thị trường và giảm trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp nhất trong ngành và không có nhiều biến động so với những quý gần đây.
►ACB báo lãi quý III tăng 18,3%, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành
►BIDV, Vietinbank có thể gặp khó, nhưng Vietcombank sẽ hưởng lợi nhiều từ Thông tư 22?