Thứ Sáu | 04/05/2012 18:35

VCCI kiến nghị 6 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vừa có báo cáo gửi Chính phủ tại cuộc họp ngày 3-4/5.
Báo cáo của VCCI cho hay, dự báo, trong thời gian tới, những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu tiếp tục sẽ phải rút khỏi thị trường là điều khó tránh khỏi và đó cũng là yêu cầu của cải cách cơ cấu.

Vì vậy, đại diện VCCI cho rằng vẫn phải tiếp tục  hỗ trợ các đối tượng mục tiêu như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã xác định. Đặc biệt, phải chú ý rà xét, xác định rõ và trợ giúp kịp thời các doanh nghiệp có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và các dự án có hiệu quả (thuộc  mọi thành phần kinh tế, mọi quy mô) nhưng đang gặp phải những khó khăn tạm thời để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển. Theo tinh thần đó, VCCI đưa ra 6 kiến nghị cụ thể.

Về chính sách tài khóa và thị trường vốn
       
1. Tăng tiến độ phân bổ và giải ngân cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch, bảo đảm cung ứng vốn cho các công trình, tạo việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng và giải quyết đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng góp phần giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp và sớm đưa các công trình vào sử dụng.

2. Giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể là: giảm 30% đến 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011. Đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%.

3. Kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng... Có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập. Trước mắt không áp dụng các loại phí mới như: phí hạn chế phương tiện giao thông… Xem xét giảm phí công đoàn. Giãn và giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vv…

4. Thực hiện các biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho DN huy động nguồn lực xã hội thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thông qua quỹ đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư của của khu vực ngoài Nhà nước, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng như hiện nay (tới 80%).

5. Hạn chế phát hành nợ của Chính phủ (dưới hình thức trái phiếu và tín phiếu) để giảm sự chèn lấn đối với nợ của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Hiện nay, việc phát hành trái phiếu và tín phiếu đang cung cấp một đầu ra an toàn cho các ngân hàng thương mại nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp và không giúp làm cho lãi suất giảm một cách tương ứng với tốc độ giảm của lạm phát.
 
Về  chính sách tiền tệ và tín dụng
       
1. Tiếp tục lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Chỉ số CPI tháng 4/2012 đã giảm xuống chỉ còn 10,5% so với cùng kỳ năm 2011, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất trong khi vẫn bảo đảm cho người gửi tiền có lãi suất thực  dương và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

2. Tiếp theo việc sửa đổi thông tư 493, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, theo hướng rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư có tác động kinh tế - xã hội lớn, có phương án kinh doanh đạt hiệu quả, đặc biệt ưu tiên cho vay đối với các công trình dự án dở dang sắp hoàn thành để tránh lãng phí xã hội, tạo việc làm cho người lao động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn vay ngân hàng.

3. Điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần khuyến khích xuất khẩu. Tiếp tục cơ chế cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để hạ thấp chi phí vốn cho các doanh nghiệp này duy trì sản xuất kinh doanh và giữ vững thị trường xuất khẩu.

4. Mở rộng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành nghề và lĩnh vực trọng điểm.

5. Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi  suất hợp lý. Để triển khai việc này cần có các biện pháp tổng thể, không chỉ liên quan đến mức lãi suất mà cả thủ tục vay vốn,  bảo lãnh tín dụng, tạo nguồn vốn và đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng được vay. Trước mắt, đề nghị tập trung vào các vấn đề sau:

-     Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/ 2009- NĐ-CP tạo nguồn vốn đề ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối với các DNNVV.

-     Triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp cực nhỏ (dưới 10 lao động ) có kế hoạch kinh doanh khả thi và có các tiêu chí định mức tín nhiệm  tin cậy với sự hợp tác của các hiệp hội. Mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các doanh nghiệp.

-     Rà xét, đánh giá để có biện pháp mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả hoạt động  của hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV của Ngân hàng phát triển Việt Nam và của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương.

-     Có biện pháp khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng và thực hiện các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho DNNVV.

-     Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng này xây dựng kế hoạch kinh doanh và dự án vay vốn từ các ngân hàng.
 
Về chính sách phát triển thị trường

Hiện nay thị trường tiêu thụ là vấn đề khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Để giải quyết việc này cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường trong nước.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực để có thể trở thành những nhà cung ứng sản phẩm cho đầu tư và chi tiêu công. Nghiên cứu sửa đổi Luật và các quy định về đấu thầu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận tốt hơn và tận dụng được lợi thế khi tham gia đấu thầu xây dựngvà mua sắm công.

Có quy định dành một tỷ lệ thích hợp các gói thầu cho DNNVV.  Đề nghị xem xét miễn thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm linh kiện, máy móc thiết bị nhâp khẩu mà trong nước chưa sản xuất được phục vụ các công trình dự án theo hình thức đấu thầu EPC do các doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước, các khu vực để mở của thị trường, bố trí tăng kinh phí và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tập trung vào các thị trường mới có tiềm năng.
 
Về cải cách thủ  tục hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay thì  hợp tác của cơ quan chính quyền địa phương với doanh nghiệp trong việc giải quyết tốt các thủ tục  đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án có tiềm năng và ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng.

Đối với các dự án mà chủ đầu tư đang có khó khăn thì cần xem xét giãn các khoản phải nộp cho địa  phương, giãn tiến độ thực hiện, phân kỳ đầu tư thực hiện từng tiểu phần của dự án để giảm bớt áp lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc

Đề nghị Chính phủ ban hành sớm đề án tái cấu trúc nền kinh tế đồng thời với việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia để định hướng cho hoạt động của  doanh nghiệp. Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc các DNNN và các ngân hàng thương mại.

Ngoài các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lớn nâng cao trình độ quản trị, đặc biệt là quản trị chiến lược và tài chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xây dựng các chuẩn mực quản trị hiện đại, thực hiện  tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát rủi ro trong doanh nghiệp.

Về công tác thông tin, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp

Tăng cường cơ chế thông tin và đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp, phản ánh kịp thời thực trạng và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ và thông tin về định hướng chính sách của chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và niềm tin vào thị trường.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện