Thứ Ba | 08/04/2014 11:58

VCCI: Chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng đã được nâng lên

Quy mô tài sản của các TCTD Việt Nam dù vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng đã giảm mạnh so với giai đoạn trước thực hiện tái cơ cấu.
Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 của VCCI cho biết, sau gần hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) kể từ thời điểm tháng 3/2012, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã có sự sắp xếp lại về cấu trúc hệ thống cũng như số lượng mạng lưới hoạt động. Số lượng NHTM đã giảm so với thời điểm cuối năm 2011.

Theo đó, việc cắt giảm và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thông qua các cách thức mua bán, sáp nhập phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, hướng tới hình thành một hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, phù hợp quy mô của nền kinh tế. Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có 5 NHTM nhà nước, 34 NHTM cổ phần tư nhân, 5 ngân hàng liên doanh và 5 ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra còn có các TCTD phi ngân hàng cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ cùng một số dịch vụ khác như cho vay, đầu tư, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương cùng hơn 1000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở làm nhiệm vụ huy động, cho vay vốn ở các vùng nông thôn. Trong đó, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục đống vai trò chủ lực trong cơ cấu TCTD Việt Nam (nắm giữ khoảng 95% thị phần tín dụng và quy mô tài sản của hệ thống).

Cùng với những chuyển biến tích cực về số lượng cũng như phân bổ thị phần trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, cơ cấu mạng lưới tổ chức của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Tình trạng phân bổ mạng lưới ngân hàng bất hợp lý giữa khu vực thành thị và nông thôn đang dần được khắc phục.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, với việc ra đời Thông tư số 21/2013 ngày 9/9/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM thay thế Quyết định số 13/2008 ngày 29/4/2008 tạo một cơ sở pháp lý mới cho việc thiết lập, tổ chức và hoạt động của mạng lưới một NHTM theo hướng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống TCTD đã được cải thiện qua các năm, đặc biệt kể từ khi thực hiện Đề án cơ cấu lại, đáp ứng quy định tại Thông tư 13/2010. Sau hai năm thực hiện tái cơ cấu, quy mô tài sản của các TCTD Việt Nam mặc dù vẫn giữa đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng đã giảm mạnh so với giai đoạn trước đó.

Kể từ khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu, giá trị tài sản có rủi ro của hệ thống TCTD đặc biệt là khối ngân hàng nội có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm mạnh trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Đáng chú ý là khối NHTMCP, nếu như trước đây giá trị tài sản có rủi ro của khối này luôn chiếm vị trí cao nhất thì đến nay cũng đã giảm và tiệm cân bằng với khối NHTMCP NN.

Tốc độ gia tăng nợ xấu của hệ thống có xu hướng chững lại kể từ tháng 6/2012, hiện ở mức trên 4%, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề lớn cần giải quyết mạnh mẽ, đặc biệt khi giá trị nợ xấu hiện vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.

Trong giai đoạn từ 2006 đến nay, vấn đề sở hữu chéo liên quan tới các TCTD đã phát triển mạnh và tồn tại phổ biến dưới hai hình thức là ngân hàng sở hữu lẫn nhau và doanh nghiệp sở hữu ngân hàng. Báo cáo cho biết, hiện đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nahu, 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số NHTMCP có một số cổ đông là TCTD khác.

Nguyên nhân bùng phát vấn đề này được cho là do sự bùng nổ của thị trường chứng khoán vào những năm 2006, 2007, quy định nâng mức vốn điều lệ tối thiểu của các NHTM của NHNN và sự tăng trưởng nóng của tín dụng đã tác động làm cho hoạt động ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn, giá cổ phiếu ngân hàng tăng gấp nhiều lần so với giá thực tế,... khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân muốn được sở hữu, thậm chí là chi phối hoạt động ngân hàng đặc biệt ở các khu vực thành phố lớn.

Báo cáo của VCCI đề xuất các giải pháp để tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các TCTD như tập trung hỗ trợ cải thiện tình hình thanh khoản thông qua hoạt động nghiệp vụ như tái cấp vốn, cho vay đặc biệt, hoạt động thị trường mở; phân loại các TCTD để xác định NHTMCP yếu kém cần phải được cơ cấu; xử lý nợ xấu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện