Thứ Ba | 09/10/2012 14:39

VCBS: Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 5 - 6%

Nợ xấu và các yếu tố vĩ mô không như kỳ vọng sẽ khiến tín dụng tăng chậm trong quý IV trong khi lãi suất ít biến động so với quý III.
Theo báo cáo vĩ mô tháng 9/2012 của Công ty chứng khoán ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (VCBS) dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, VCBS cũng không loại trừ khả năng về một sự điều chỉnh nhẹ của Ngân hàng Nhà nước đối với tỷ giá chính thức nhằm chuẩn bị trước cho khả năng tiếp tục hạ lãi suất đồng nội tệ để đảm bảo điều kiện cân bằng lãi suất thực đồng thời tăng tính cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh chung về sự suy yếu tổng cầu của các nước.

Trần lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 12 tháng được dỡ bỏ và lãi suất cho vay phần lớn đã không cao hơn 15%. Mức giảm khá lớn so với đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng quý III mặc dù có cải thiện so với quý II nhưng vẫn thấp hơn mong đợi.

VCBS cho rằng, nợ xấu và các yếu tố vĩ mô được cải thiện không như kỳ vọng trong khi áp lực lạm phát cao có xu hướng quay trở lại sẽ khiến niềm tin kinh doanh không cải thiện lớn, tín dụng vì vậy sẽ tăng với tốc độ chậm trong quý IV trong khi lãi suất huy động và cho vay trong bối cảnh như vậy sẽ ít biến động so với quý III. Theo VCBS ước tính tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 có thể đạt 5 - 6%.

Nguồn: VCBS
Nguồn: VCBS

Cú sốc trên thị trường tài chính cuối tháng 8 đã khiến một số ngân hàng nhỏ căng thẳng về thanh khoản nhưng NHNN đã hỗ trợ kịp thời. Trong khi đó, ngân hàng lớn thanh khoản vẫn ổn định.

Thông tư 21 được áp dụng đã khiến cho các ngân hàng chuyển từ việc hoạt động gửi tiền sang hoạt động vay nợ (tín dụng) vì vậy có thể kéo theo việc chuyển từ giao dịch liên ngân hàng sang giao dịch mua bán trên thị trường trái phiếu thứ cấp.

VCBS kỳ vọng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ổn định trong quý IV. Nhiều khả năng NHNN sẽ tăng tốc trong hoạt động tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém nhằm tăng mức độ ổn định của hệ thống.

Về việc hai tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế lớn là Standard & Poor's và Moody's đã đưa ra các đánh giá khác biệt về hệ thống ngân hàng. Standard & Poor's đã nâng xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam, cụ thể là mức độ rủi ro từ nhóm 10 lên nhóm 9 và điều chỉnh mức độ rủi ro kinh tế từ mức "rất cao" xuống mức "cao".

Trong khi đó, Moody's đã hạ xếp hạng trái phiếu nội địa và quốc tế từ mức B1 xuống mức B2, huy động ngoại tệ dài hạn từ mức B2 xuống mức B3 trong khi vẫn giữ nguyên triển vọng "ổn định".

VCBS cho rằng, các tổ chức này đã nhìn nhận tích cực đối với nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, quá trình tái cơ cấu kinh tế, nhất là hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, những yếu tố như nợ xấu cao và việc sở hữu chồng chéo nhau trong ngân hàng cũng như những rủi ro vĩ mô cho thấy quá trình cải cách hệ thống tài chính của Việt Nam còn nhiều thách thức.

Nguồn Khampha/VCBS


Sự kiện