VCBS: Nhóm ngân hàng, bất động sản có triển vọng tốt trong năm 2016
Tại hội thảo Nhận diện doanh nghiệp năm 2016 do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tổ chức, ông Trần Anh Tuấn, CFA - Giám đốc Phân tích VCBS, nhận định chưa có nhóm nào có triển vọng nổi bật, nhưng nhóm ngành ngân hàng, bất động sản sẽ có tác động lớn tới thị trường trong năm 2016.
Theo ông Tuấn, dự báo ngành ngân hàng sẽ cải thiện được khả năng sinh lời trong năm tới nhưng có sự phân hóa lớn về lợi nhuận giữa một số ngân hàng. Mặc dù vậy, sự cải thiện chỉ đến từ những ngân hàng đã tái cấu trúc nợ thành công hoặc có hoạt động quản trị nợ xấu tốt.
Về ngành bất động sản, ông Tuấn cho rằng dự kiến năm 2016 là năm mà điểm rơi lợi nhuận của nhóm ngành này. Đa phần các căn hộ bán trong 2014-15 sẽ được hạch toán trong năm 2016, 2017. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá năm 2016, nhóm bất động sản khó bứt phá được nhiều.
Ngoài ra, nhóm ngành logistics, xây dựng và dệt may cũng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại.
Về logistics, các cảng biển có vị trí thuận lợi, còn dư công suất sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhóm vận tải vẫn tiếp tục hưởng lợi từ giá dầu. Theo ông Tuấn, chưa chắc doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi từ TPP, nhưng với những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics thì việc hưởng lợi mang tính dài hạn.
Ông Tuấn nhận định, ngành xây dựng công trình công nghiệp - hạ tầng sẽ là động lực chính dẫn dắt ngành do gia tăng đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam khi các hiệp định tự do thương mại được thông qua. Điểm lại ngành này thời gian qua, ông cho biết, tăng trưởng kinh tế tốt, các doanh nghiệp ngoại như Đài Loan, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, FDI tăng trưởng tốt, các dự án BOT hạ tầng giao thông cũng được đẩy mạnh năm qua.
Nhóm ngành dệt may trong năm 2016 vẫn sẽ duy trì được tăng trưởng nhờ hưởng lợi TPP và giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm. Tuy nhiên mức tăng trưởng năm 2016 có thể sẽ không tốt bằng 2015, ông Tuấn nhận định. Lý giải điều này, theo ông, do VND được định giá cao hơn khu vực, năm rồi các nước phá giá nhiều, do đó hàng Việt Nam kém cạnh tranh do giá cao hơn các nước. Việt Nam có thể sẽ phá giá dần dần trong năm 2016 để hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn. Ngoài ra, chính sách lương thay đổi, các ràng buộc kèm theo khi gia nhập FTA khiến một số lợi thế cạnh tranh của ngành bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu giảm như phân bón, săm lốp, cáp điện, ắc quy... hoặc các doanh nghiệp đã kín room nhưng chủ động nới room, nhóm doanh nghiệp liên quan đến kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa... tương đối hấp dẫn trong năm tới.
Ông Tuấn cũng đưa ra một số nhóm ngành kém khả quan trong năm 2016 như dầu khí, thủy sản, cao su tự nhiên, thép... Riêng về ngành dầu khí, ông cho rằng tình hình dư cung khiến giá dầu khó hồi phục. Theo ông, giá dầu vượt 50 USD/thùng trong năm nay là rất khó, đáy ở đâu còn khó dự đoán hơn.
Đánh giá chung về thị trường năm 2016, ông Tuấn cho rằng đây là năm khó khăn nhất trong vài năm trở lại đây và thị trường khó khăn không đến từ nội tại mà chịu ảnh hưởng lớn nhất từ bên ngoài. Chủ yếu, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc, do nhập khẩu từ nước này khá nhiều. Ngoài ra, mặc dù ngành sản xuất của Mỹ phục hồi, tuy nhiên, sự phục hồi chưa rõ ràng, trong trung hạn khó tăng trưởng ngay được và ảnh hưởng từ nước này sẽ mang tính chất tiêu cực đối với Việt Nam. Đồng thời, lợi ích từ TPP không đến ngay lập tức mà mang tích chất dài hơi, nhiều khả năng ảnh hưởng lợi ích trực tiếp chỉ đến từ năm 2017 trở đi.
Trường Văn