Thứ Sáu | 19/10/2012 09:35

VCBS: Cập nhật dự án cao su và mía đường tại Lào của HAGL

Lĩnh vực cao su được đánh giá tiềm năng, bước đầu đem lại doanh thu trong khi mía đường hứa hẹn sớm đem lại lợi nhuận hỗ trợ các lĩnh vực khác.
Theo báo cáo của công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cập nhật hoạt động của CTCP Hoàng Anh Gia Lai ( HAG) sau chuyến đi thực tế sang Lào vừa qua, lĩnh vực cao su được đánh giá tiềm năng, bước đầu đem lại doanh thu nhưng sẽ chưa nhiều trong 1-2 năm tới. Trong khi đó, lĩnh vực mía đường hứa hẹn sớm đem lại lợi nhuận và nguồn tiền để hỗ trợ cho các lĩnh vực hoạt động khác.

Theo báo cáo thường niên phát hành tháng 4/2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG cho biết: "Từ năm 2013 khi ngành cao su và mía đường bắt đầu tạo ra doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi cũng sẽ hoàn thành về cơ bản công tác đầu tư nên Hoàng Anh Gia Lai sẽ có được dòng tiền thặng dư. Khi đó sẽ xóa đi tất cả những quan ngại của một số cổ đông và nhà đầu tư về việc liệu Hoàng Anh Gia Lai có quá mạo hiểm khi số dư nợ vay cho đầu tư đang tăng lên trong thời gian qua".

Cao su phát triển tốt nhất tại Attapeu (Lào)

Tính đến năm 2012, HAG đã trồng được 43.500 ha cao su, trong đó, diện tích trồng tại Lào là 24.300 ha, tại Việt Nam là 10.000 ha và tại Campuchia là 9.200 ha.

Diện tích trồng cao su của HAG qua các năm. Nguồn: HAG, đơn vị: ha
Diện tích trồng cao su của HAG qua các năm. Nguồn: HAG, VCBS đơn vị: ha

Tại Attapeu (Lào), HAG có hơn 22.000 ha cao su, cây to và lá xanh nhờ được tưới nước từ 4 sông xung quanh, theo phương pháp nhỏ giọt (2 lít/h) giúp cây không rụng lá và cạo được khoảng 10 tháng/năm.

Một số cây cao su tăng trưởng tốt nhất được đưa vào khai thác tại khu vực này có thể cạo mủ D2 (2 ngày cạo 1 lần), mỗi lần cạo được khoảng 0,5 lạng, năng suất cao su khô theo HAG ước tính khoảng 2 tấn/ha.

HAG cũng đã đầu tư nhà máy chế biến cao su với công suất 25.000 tấn/năm, tổng giá trị đầu tư là 11 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2012.

Tại Sekông (Lào), công ty có khoảng 2.000 ha cao su, cây không được tốt như cây ở tỉnh Attapeu do thổ nhưỡng, giống cây và không có hệ thống tưới nước, do đó cho năng suất thấp hơn so với cao su trông tại tỉnh Attapeu, theo HAG ước tính khoảng 1,6 tấn/ha.

Tại Việt Nam, hoạt động trồng cao su phát triển chậm hơn so với trồng tại Lào do giống cây, điều kiện thổ nhưỡng không tốt bằng. HAG bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến mủ công suất 20.000 tấn/năm tại Hàm Rồng, Gia Lai.

Năm 2013, công ty dự kiến sẽ khai thác diện tích trồng từ năm 2007-2009 (trong đó chỉ có 60-70% diện tích năm 2009 được đưa vào khai thác).

Diện tích khai thác cao su. Nguồn HAG. Đơn vị: ha
Diện tích khai thác cao su. Nguồn HAG. Đơn vị: ha

Sau một thời gian đi vào khai thác, HAG đã điều chỉnh giá thành mủ cao su từ 918 USD/tấn (năm 2011) lên 1.009 USD/tấn, trong đó chi phí nhân công là 397 USD/tấn (chiếm 39% giá thành), chi phí chế biến là 100 USD/tấn.

Báo cáo của công ty chứng khoán này cho biết, hiệu suất làm việc của công nhân Lào chưa cao so với công nhân Việt Nam (1 người chỉ quản lý, khai thác 2 ha thay vì 3 ha như công nhân Việt Nam).

Hiện nay, HAG đã ký hợp đồng bán cao su cho Michelin - một trong những nhà sản xuất lốp lớn nhất thế giới, tuy nhiên công ty chưa chốt mức giá bán.

HAG dự kiến sẽ khai hoang, trồng mới khoảng 7.000 ha trong năm 2013, trong đó 1.000 ha tại Lào và 6.000 ha tại Campuchia.
Mía đường: các nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động tháng 11/2012

Cụm công nghiệp mía đường HAG tại Lào có tổng đầu tư 70 triệu USD trong đó, nhà máy mía (tổng đầu tư: 14,7 triệu USD), nhà máy đường (tổng đầu tư: 37,8 triệu USD), nhà máy nhiệt điện công suất 30W (tổng đầu tư 17,4 triệu USD, dự kiến sẽ dùng 10MW và bán 30MW cho Lào với giá 6,5 cent/MW).

Theo kế hoạch, các nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động tháng 11/2012. Mía đường trồng sẽ được thu hoạch sau 10-12 tháng, cây giống trồng 1 lần có thể thu hoạch 4 lần tương ứng khoảng 4 năm, sau đó phải trồng lại cây giống.

Hiện nay, HAG đã trồng 6.000 ha mía (trong đó 1.000 ha sẽ được trồng vào quý IV/2012), với năng suất ước tính khoảng 100-120 tấn/ha, theo đó năm 2013, sản lượng mía dự kiến là 600-720 nghìn tấn, sản lượng đường dự kiến là 60-72 nghìn tấn (tỷ lệ đường là 10%). HAG dự kiến nâng sản lượng đường năm 2013 và 2014 lên lần lượt là 120 nghìn tấn và 240 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, HAG dự kiến được cấp hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn đường từ nhà máy tại Lào trong năm 2013 và sẽ nâng lên 100-120 nghìn tấn năm 2014.

Nguồn: HAG,VCBS
Nguồn: HAG,VCBS

Ngoài ra, số liệu về giá thành trồng mía HAG cung cấp là 255.200 đồng/tấn, cao hơn mức 175.718 đồng/tấn mà HAG cung cấp cách đây 1 năm, nhưng thấp hơn giá thành mía tại Thái Lan hiện nay ước khoảng 600.000 đồng/tấn.

Nguồn Khampha


Sự kiện