VBF kiến nghị giảm sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết khoảng 35%
Theo đó, ngân sách Nhà nước có hạn trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn lớn. Nguồn thu từ thuế có giảm do kinh tế khó khăn và các lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi tham gia WTO. Gần đây nhất, quý 4/2013, Chính phủ đã đề xuất tăng bộ chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP.
Theo tìm hiểu của nhóm công tác vào ngày 23/5/2014, tổng giá trị vốn hóa của phần vốn nhà nước tại 12 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM là 18,5 tỷ USD, chiếm 41% giá trị của cả Sàn HOSE. Riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 12 công ty này có giá trị 6,3 tỷ USD.
Việc bán một phần cổ phần của các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng bù đắp được thâm hụt ngân sách của Nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác. Doanh nghiệp sau khi bán vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, vẫn đóng thuế, vẫn sử dụng nguồn nhân lực Việt Nam.
Nhiều công ty hiện do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn không hoạt động hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực được xác định là "nhạy cảm" hoặc "hạn chế" như ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón.
Nhóm công tác nhận định, các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn về chính sách và vốn vay so với các doanh nghiệp khối tư nhân. Điều này dẫn đến sân chơi không bình đẳng giữa 2 khối doanh nghiệp, hạn chế khả năng phát triển của khối tư nhân trong khi khối nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và không có sản phẩm, dịch vụ tốt. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung khi gia nhập thị trường khu vực cũng như quốc tế.
VBF kiến nghị, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty không thuộc diện "nhạy cảm" và "hạn chế". Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết khoảng 35%. Thời gian sau có thể giảm xuống thêm. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty 100% vốn Nhà nước; rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm.
Nguồn Theo DVO