Hiện nay, nhiều công ty tài chính cho biết sẽ thiết lập kênh riêng để hỗ trợ khách hàng. Ảnh:
Vay tiêu dùng đi trên dây nợ xấu
Quy mô vay nợ tiêu dùng của Việt Nam vẫn ước khoảng 20%. Không chỉ xử lý những khoản vay lớn như mua nhà, xe, mà thu hồi những khoản vay tiêu dùng quy mô từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cũng là thách thức rất lớn đối với các công ty tài chính trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều người dân lâm vào cảnh cùng cực.
Lo thu hồi nợ xấu
Khi TP.HCM giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 6 đến nay, nhiều lao động có thu nhập trung bình thấp, khách hàng chủ yếu của các công ty tài chính, rơi vào tình trạng không có thu nhập để trả nợ, dù các khoản tiền góp hằng tháng chỉ hơn một triệu đồng. Nợ xấu từ các khoản vay tiêu dùng như vậy đang là thách thức rất lớn đối với các công ty tài chính - khu vực dễ bị tổn thương nhất vì dịch bệnh. Trong bối cảnh này, đối sách của phần đông các công ty tài chính là hạn chế cho vay mới và tranh thủ thu hồi nợ.
Công ty dẫn đầu thị phần cho vay tiền mặt FE Credit mới đây công bố chính sách mới hỗ trợ cho các khoản nợ xấu vì COVID-19. Theo đó, đơn vị này triển khai chương trình hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng, từ tháng 9/2021 và gia hạn thời hạn vay 4 tháng cho khách hàng. “Ban lãnh đạo Công ty cũng đang thảo luận thêm một số chính sách nhằm hỗ trợ khách hàng toàn diện và lâu dài hơn”, đại diện FE Credit cho biết thêm.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, FE Credit ưu tiên xử lý nợ hơn là cho vay, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI. Dư nợ trong 6 tháng đầu năm giảm 7,2%, tổng thu nhập giảm 9% so với cùng kỳ. Tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên 9,1% trong khi NIM thu hẹp 143 điểm cơ bản.
Theo SSI, dư nợ giảm là do Công ty chủ động ưu tiên thu hồi nợ và đẩy mạnh xóa nợ xấu, hơn là giải ngân mới vì vẫn áp dụng các tiêu chí giải ngân nghiêm ngặt hơn. Các khoản giải ngân mới đạt 12.200 tỉ đồng, giảm 21% so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ, trong khi các khoản trả nợ và thanh lý hợp đồng vay trước hạn là 14.000 tỉ đồng, tăng 12% so với quý trước và 21% so với cùng kỳ. “Đối với những khách hàng có khả năng trả nợ trước hạn, FE Credit có thể ưu đãi dưới hình thức lãi suất cho vay. Bằng cách này, Công ty hy sinh một phần biên lợi nhuận tiềm năng có thể có để đổi lấy việc thu hồi nợ tốt hơn”, SSI đánh giá.
Về phía nợ xấu, SSI cũng ghi nhận tỉ trọng nợ xấu đã xóa trong tổng dư nợ nằm trong khoảng 4,2-4,9% trong 3 quý vừa qua, cao hơn nhiều so với thời điểm Công ty giải quyết khoản nợ xấu kỷ lục trong năm 2018 và 2019. “Điều này đã cho thấy Công ty đang nỗ lực để xử lý nợ xấu tồn đọng”, SSI phân tích. Số liệu báo cáo tài chính từ các ngân hàng mẹ như HDBank, MB cũng cho thấy các công ty tài chính có vấn đề tương tự. Theo SSI, tỉ lệ nợ xấu của Mcredit cuối quý là 6,5% và HD Saison là 5,84%.
Thị trường sẽ còn thu hẹp mạnh
Ngoài xóa nợ xấu, các công ty tài chính cũng cố gắng kéo dài thời gian cho khách hàng có thể trả nợ. FE Credit cho biết tính đến cuối tháng 8, đơn vị này đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho hơn 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với số lãi, phí lũy kế đã hỗ trợ gần 215 tỉ đồng.
Còn Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam cho biết đang xử lý hơn 4.600 đề nghị cơ cấu lại thời hạn thanh toán khoản vay với tổng giá trị lên đến 90 tỉ đồng tính từ đầu tháng 6 đến ngày 14/9. Dự kiến từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ hỗ trợ giãn thời hạn thanh toán cho 50.000 khách hàng với tổng giá trị lên đến 700 tỉ đồng; miễn, giảm lãi cho 10.000 khách hàng với tổng giá trị 15 tỉ đồng.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội được siết chặt và kéo dài như hiện nay, việc thu hồi được nợ cũng là một thách thức lớn đối với các công ty tài chính. Vì nhiều lý do khác nhau, từ khách quan như không thể tới quầy nộp tiền, không còn tiền để nộp, cũng không loại trừ cả những yếu tố chủ quan như khách hàng chưa chủ động trả nợ vì lý do nào đó.
Hiện nay, nhiều công ty tài chính cho biết sẽ thiết lập kênh riêng để hỗ trợ khách hàng. Khuyến cáo chung được đưa ra là kết nối, giữ liên lạc với nhân viên phụ trách xử lý tín dụng qua các kênh chính thức, để được tư vấn và xem xét phê duyệt các phương thức hỗ trợ phù hợp với từng khách hàng.
Ngược lại, cũng không thiếu những khách hàng có thu nhập giảm mạnh, thậm chí không có đủ tiền để “đi chợ”, đẩy người vay rơi vào cảnh cùng cực. Trong khi đó, các giải pháp giãn nợ từ phía công ty tài chính hiện nay vẫn chưa giải quyết được rốt ráo bài toán “thất nghiệp không có tiền trả nợ” của khách hàng. Do đó, một giải pháp mới mẻ và mạnh mẽ hơn, dành riêng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội, cần được giới quản lý nghiêm túc xem xét.
Về phía thị trường, hoạt động vay tiêu dùng đang rất khó khăn không chỉ vì thu nhập người dân giảm mạnh, mà còn cả sự thận trọng của các công ty tài chính vì lo ngại nợ xấu tăng lên. Thực tế, đà tăng trưởng chậm lại đã xuất hiện từ năm ngoái. Theo báo cáo của FiinGroup, tốc độ tăng trưởng của các công ty tài chính năm ngoái chỉ 5,2%, giảm mạnh so với tốc độ 2 con số trong một thập kỷ trước đó.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các công ty tài chính là khác nhau, có doanh nghiệp thu hẹp, tăng chậm lại trong khi có những công ty tăng tốc, điển hình như trường hợp của HD Saison hay Mirae Asset với thị phần cải thiện đáng kể trong năm qua.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội được siết chặt và kéo dài như hiện nay, việc thu hồi được nợ cũng là một thách thức lớn đối với các công ty tài chính. Ảnh: Quý Hoà |
Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường cho vay tiêu dùng vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ kinh tế tăng trưởng, dân số trẻ và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết kế hoạch của FE Credit là sẽ trở lại trong năm 2022 với dự kiến mốc lợi nhuận đạt 6.000 tỉ đồng, tức tương đương với năm 2020.
Kế hoạch cho những năm tiếp theo là rất tham vọng, với tốc độ tăng trưởng sẽ lên đến 80% trong năm 2023, sau khi có sự gia nhập của cổ đông Nhật. “Tài chính tiêu dùng sẽ gặp trở ngại trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, nhưng nếu thị trường bình ổn, tăng trưởng ổn định thì lĩnh vực này tạo ra giá trị không hề nhỏ”, ông Vinh nhận định.