Vay hay thu hồi vốn?
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, chi đầu tư phát triển đang giảm mạnh, “có thể nói thấp kỷ lục trong lịch sử”. Giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 35-37%, có năm tới 42% so với GDP nhưng năm 2013 chỉ còn 29,1%.
Theo tính toán của Chính phủ, năm 2014 để tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 30% GDP trở lên. Muốn vậy phải đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư phát triển 234.000 tỷ đồng, trong khi đến nay chỉ bố trí được 163.000 tỷ đồng.
Đây là một trong những lý do chính để Chính phủ đề nghị phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP. Khi ngân sách đang khó cân đối, xem ra đây là giải pháp cần thiết giải quyết khó khăn nền kinh tế.
Dù cơ bản đồng thuận chủ trương này, nhưng trong phiên thảo luận về ngân sách cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra lo lắng. Với mức phát hành 170.000 tỷ đồng TPCP, Chính phủ cho biết nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nói dù nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng chưa an toàn khi các khoản vay đến hạn trả nợ lại phải vay để đảo nợ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải thốt lên “chúng ta phải đi vay để chi đầu tư, toàn phải đi vay để ăn”. Bởi vậy, Chủ tịch yêu cầu phải tính kỹ là vay nhưng lấy tiền ở đâu để trả nợ?
Hiện nay khối lượng huy động vốn TPCP hàng năm đã rất lớn. Trong 3 năm tới, bình quân mỗi năm huy động trên 400.000 tỷ đồng. Trong khi đó, việc huy động trong nước vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, do đó tần suất và mức trả nợ sẽ rất cao.
Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP, triệt tiêu mục tiêu đầu tư vào sản xuất.
Nhiều ý kiến bày tỏ, thay vì tiếp tục vay nợ để đầu tư, Nhà nước cần khai thác triệt để các nguồn lực sẵn có. Đây không phải là việc quá khó mà quan trọng là có dám mạnh dạn thay đổi tư duy về quản lý? Thí dụ việc sử dụng nguồn thu cổ tức ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hay quyết liệt trong việc bán đi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Về nguồn thu cổ tức, có ý kiến lý giải do Nghị quyết Trung ương 3 yêu cầu không đưa vào cân đối để chi thường xuyên mà để lại tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp. Nếu thu cổ tức sau đó Nhà nước lại phải bỏ vốn ngân sách ra đầu tư trở lại cho doanh nghiệp, là vẫn giữ tư duy cũ, vẫn cứ muốn bảo hộ DNNN. Đã là kinh tế thị trường bình đẳng, đầu tư vốn phải thu lợi nhuận. Nguồn lực Nhà nước bỏ ra cho khu vực DNNN lâu nay rất lớn, nhưng lợi nhuận thu về liệu có tương xứng?
Mặt khác, với một doanh nghiệp, phần lợi nhuận thu về thường phân bổ thành nhiều khoản như chi cổ tức, dự phòng rủi ro, một phần để tái đầu tư. Nghĩa là không phải cứ thu cổ tức doanh nghiệp đó về sẽ không còn vốn để tái đầu tư.
Chuyện bán doanh nghiệp cũng tương tự. Nhiều ý kiến nói những doanh nghiệp không cần nắm giữ như Vinamilk nên bán. Nhưng thực tế đây lại là một trong số ít ỏi DNNN nắm giữ cổ phần chi phối đang làm ăn hiệu quả. Liệu Nhà nước có đủ quyết tâm để bán đi “miếng bánh” ngon nhất của mình?
Trong khi đó, những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nếu bán đi phải chấp nhận giá thấp và điều này lại liên quan tới việc cân nhắc lợi ích quốc gia. Đó cũng là nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa DNNN chậm chạp, lình xình, bế tắc.
Huy động vốn đã khó, phân bổ nguồn lực thế nào cho đúng địa chỉ càng khó hơn. Nhiều ý kiến tại diễn đàn Quốc hội dứt khoát yêu cầu phải có “điều kiện đi kèm” mới chấp nhận tăng bội chi hay phát hành thêm TPCP. Cụ thể từ nay đến lúc Quốc hội quyết, Chính phủ phải trình hết danh mục chi cho các dự án cụ thể nào, giải pháp giám sát ra sao để chống chạy dự án, chống chi sai mục đích…
Đây là yêu cầu thiết thực bởi lâu nay chúng ta đều biết hiệu quả của đầu tư công rất thấp. Nay do ngân sách lâm vào cảnh “giật gấu, vá vai”, phải đi vay để đầu tư, nên nhất thiết phải đề cao tính hiệu quả của từng đồng vốn.
Nguồn Sài Gòn đầu tư tài chính