Khối Nghiên cứu HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 ở mức 6,1%. Ảnh: TL.

 
Thùy Linh Thứ Hai | 19/07/2021 16:44

Vật giá leo thang và rủi ro tăng lãi suất

Vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính tỏ ra quan ngại khi Ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện nâng lãi suất điều hành.

Theo báo cáo vừa công bố của IHS Markit, có những dấu hiệu giảm áp lực lạm phát trong tháng 6 khi tình trạng lực cầu yếu dẫn đến giảm năng lực định giá. Mặc dù chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm nhất trong bảy tháng, tốc độ lạm phát vẫn cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số khi có các báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá tăng. Đặc biệt, tình trạng tăng giá kim loại được nhắc đến nhiều.

Trong khi đó, giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ vì các công ty phải đối phó với tình trạng nhu cầu giảm. Niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8.2020 và điều này phản ánh những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, các công ty nhìn chung vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.

 

Về xu hướng lãi suất, tình trạng vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi Ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam mối lo ngại này dường như tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây, trong khi đó ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo.

Ông Khoa cũng cho rằng nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra. Ở mặt khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm và/hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh.

Bất chấp khả năng kinh tế hồi phục mạnh mẽ tại các quốc gia phương Tây, thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam nằm nhiều hơn ở các yếu tố nội tại. Mặc dù các dữ liệu vĩ mô chính của 6 tháng đầu năm vẫn cho thấy xu hướng tương đối ổn định, nhưng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra trong năm nay.

 

Các ổ dịch gần đây làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam. Các chỉ thị giãn cách để ngăn ngừa dịch bệnh đã dẫn đến sự suy giảm nặng thêm về triển vọng tiêu dùng và sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch.

Đặc biệt, biến thể mới của COVID-19 và tốc độ tiêm vaccine chậm sẽ tiếp tục gây trì hoãn việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đại chúng và các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Khối Nghiên cứu HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 6,1% (từ 6,6%).

Tuy nhiên, trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng FDI đầy hứa hẹn, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực. Do đó, dự báo tăng trưởng năm 2022 hiện tại được nâng lên 6,8% (từ 6,5%).

Để phục hồi bền vững trở lại đúng hướng, điều quan trọng là phải nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của virus và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn quốc. Với việc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài, chắc chắn đà tăng trưởng trong quý III/2021 nói riêng và nửa sau của năm 2021 đặt ra rất nhiều thách thức. Do đó, cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân vượt qua những khó khăn này.

Có thể bạn quan tâm 

Triển vọng kinh tế suy giảm do đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư