Ảnh: Tapchitaichinh.vn
VASEP: Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ hồi phục vào nửa cuối năm
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Do đó, xuất khẩu thủy sang Trung Quốc sẽ hồi phục vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu suy giảm trong nửa đầu năm chưa thể đảo chiều trong vài tháng tới vì chưa thể khắc phục ngay những khó khăn của thị trường này, bao gồm siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng. Vasep dự đoán, trường hợp khả quan nhất, xuất khẩu tăng vào quý cuối năm thì có thể kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm nay giữ được mức tương đương năm 2018 là 1,2 tỷ USD.
Cùng với đó, VASEP lưu ý, với thu nhập gia tăng, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn như xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Sáu tháng đầu 2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 572 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng gần 2%, cá ngừ tăng mạnh 183%, trong khi xuất khẩu tôm giảm 5%. Như vậy, cá tra hiện đnag chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch thủy sản của Trung Quốc, đạt 44%, trong khi tôm chiếm 40%.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm là do Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại mậu biên và kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen xuất tiểu ngạch lại thiếu thông tin về những quy định xuất khẩu chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm xuất tiểu ngạch.
Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng lớn tôm Ấn Độ, Ecuador được tạm nhập tái xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng khiến cho tôm của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này bị sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc suy giảm trong nửa đầu năm. Ảnh:TTXVN |
Tiếp đến, đồng Nhân dân tệ (NDT hay CNY theo ký hiệu quốc tế) liên tục mất giá so với đồng USD. Điều này tạo ra chênh lệch lớn giữa CNY và Việt Nam đồng. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có thủy sản sẽ cao hơn. Trong khi đó, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn, trong khi đồng rupee cũng bị giảm giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng Việt Nam đồng. Dự báo, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, khi hai bên áp mức thuế nhập khẩu cao với hàng hóa của nhau thì cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Đối với những sản phẩm thủy sản mà Trung Quốc và Việt Nam đều đang xuất khẩu sang Mỹ như tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc hay cá biển, Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ từ Việt Nam, vì họ có thể nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển cho giao dịch thủy sản của 2 thị trường này, điều này rất ảnh hưởng đến uy tín và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và 2 thị trường lớn.
VASEP cho biết, từ khi áp dụng thuế bổ sung, đã có các dịch vụ vận chuyển tới Mỹ thông qua Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác, còn tại Canada, đã có dấu hiệu tôm hùm đánh bắt tại Mỹ được gắn xuất xứ tại Canada và vận chuyển tới Trung Quốc. Được biết, có một lượng lớn tôm hùm Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua Việt Nam.
►Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô
►Thủy sản 5 tháng đầu năm 2019: Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng