Chủ Nhật | 17/03/2013 15:10

VASEP khẳng định có vận động chính trị để tăng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam

Theo VASEP, Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đã công khai các cuộc gặp cấp cao cũng như nỗ lực vận động trực tiếp các nhà làm luật DOC.
Ngày 14/3/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 8, giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011, thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế CBPG với một số doanh nghiệp trong quyết định cuối gấp vài chục lần so với mức thuế suất trung bình của POR7.

Trước tình hình này, ngày 16/3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có thông cáo báo chí chính thức, khẳng định "rất bất bình" trước việc DOC đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam, đồng thời phản đối mức thuế trong quyết định cuối cùng cho đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 8 của DOC.

Theo VASEP, trong quyết định cuối cùng, DOC đã căn cứ vào một nghiên cứu về giá của chính phủ Indonesia để tính toán giá cá tra sống nguyên con - nguyên liệu để chế biến cá tra philê. Nghiên cứu này không căn cứ vào giá thực tế mà chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước được tính toán từ số liệu của một vài địa phương, dẫn đến chênh lệch lớn về giá.

Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính.

Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Bản thân DOC cũng tuyên bố Indonesia không có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam trong hầu hết thời gian xem xét hành chính, nhưng sau đó lại không chấp nhận Việt Nam dùng thông tin trên để phản đối. DOC đưa ra lập luận rất vô lý rằng “đây là thông tin mới”, VASEP cho biết.

Trước đó, trong 8 năm liên tiếp, DOC luôn luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam. Thậm chí, DOC vẫn tiếp tục áp dụng chính sách hợp lý này trong đợt xem xét các nhà xuất khẩu mới được công bố cách đây vài tuần. Chính vì vậy, không có lý do nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8, VASEP khẳng đinh

Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như Việt Nam. Chính vì vậy, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở Việt Nam và Bangladesh là tương đương nhau. Trong khi đó, Indonesia lại nuôi 5 loài cá tra khác nhau, chỉ có 70% sản lượng cá tra năm 2011 được nuôi trong ao và không có số liệu cụ thể về sản lượng cá tra “hypophthalmus”.

Thông cáo báo chí của VASEP cho biết, quyết định cuối cùng này của DOC đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA). CFA đã công khai các cuộc gặp cấp cao cũng như nỗ lực vận động trực tiếp các nhà làm luật DOC. Chính vì vậy, quyết định cuối cùng mang tính trừng phạt này của DOC khiến nhiều người nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét cũng như sự công tư của DOC.

Cơ quan này cho rằng, quyết định này của DOC sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ. Do đó, VASEP yêu cầu DOC xem xét lại quyết định cuối cùng này sao cho đúng và hợp lý như tại quyết định sơ bộ xem xét hành chính đã thông báo ngày 12/9/2012. Theo đó, DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước đây.

"VASEP và các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC sửa đúng lại quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 8 của vụ kiện theo luật pháp Mỹ cũng như các thỏa thuận của WTO", VASEP cho hay.

Nguồn Khampha


Sự kiện