Thứ Năm | 18/10/2012 14:03

Vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Tuy vàng là kênh đầu tư hấp dẫn, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, đầu tư vào vàng theo hình thức lướt sóng sẽ rất rủi ro.
Chứng khoán đang có mức giá rất hấp dẫn, nhưng vẫn chờ tín hiệu rõ ràng của tình hình vĩ mô được cải thiện trước khi có thể bùng phát và phát triển bền vững.

Trong khi đó, bất động sản còn trong tình trạng “đóng băng” và khó là cơ hội đầu tư trong thời gian từ nay tới năm 2014, vì giá còn có thể giảm 20 - 30% nữa trước khi cung - cầu có thể gặp nhau. Với tình hình như vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn và là kênh đầu tư sinh lời, dù giá đã cao.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế vĩ mô cũng đưa ra nhận định, vàng được người nhắm đến hơn nhiều so với bất động sản, do tính thanh khoản cao hơn. Theo ông Thành, trong điều kiện bình thường, khi quyết định bỏ vốn vào một kênh đầu tư nào đó, người ta thường nghiêng về lợi nhuận hơn tính thanh khoản, nhưng khi kinh tế gặp khó khăn, thì lại cần đề cao tính thanh khoản hơn yếu tố lợi nhuận.

Về phần mình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, mặc dù kinh tế đã có sự ổn định và bắt đầu khởi sắc vào cuối năm, nhưng nguồn vốn mới vào thị trường chưa mạnh, nên chứng khoán và bất động sản khó có động lực tăng tiếp. VN-Index sẽ có đợt điều chỉnh, và dao động ở mức 400 điểm vào cuối năm 2012. Bất động sản giảm sâu buộc chủ đầu tư phải bán trả nợ ngân hàng, do đó sẽ xuất hiện cơ hội mua bất động sản giá rẻ để đầu tư. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư phải dài hạn.

Mới đây, nhằm kích cầu nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0% cho tới cuối năm 2014 và đưa ra gói kích thích nới lỏng định lượng mới (QE3). Trong khi đó, với cơn bão nợ châu Âu đang tiếp tục nặng thêm và lây lan, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương một số nước có thể cũng áp dụng QE như FED. Những động thái đó sẽ tăng tốc “in tiền” và gây áp lực lạm phát lâu dài, khiến giới đầu tư lo ngại về việc nắm giữ tiền giấy, nên sẽ hướng nhiều hơn sang vàng.

Lạm phát luôn là yếu tố chính được nói đến như lý do để giữ vàng nhằm bảo vệ tài sản. Như vậy, vàng như tài sản “trú ẩn” có tính thanh khoản cao để phòng thân và phòng khủng hoảng tài chính. Vì thế, theo quan điểm của ông Chí, vàng nên có mặt trong danh mục đầu tư cá nhân dài hạn, với tỷ trọng 10 - 20%.

“Lạm phát là lý do vững chãi nhất cho một cá nhân giữ vàng trong danh mục đầu tư, nhưng phải thận trọng trước các cơn sóng vàng, dù giá có nhiều khuynh hướng tăng hơn giảm, vì không ai có thể dự đoán được giá vàng trong ngắn hạn”, ông Chí nói.

Dự báo giá vàng trong thời gian tới, ông Phạm Đỗ Chí cho biết, vài quan sát viên quốc tế và bản thân ông cũng nghĩ rằng, vàng có thể vượt mức 2.400 USD/ounce trong 2 năm tới.

Trong khi đó, Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) cho rằng, giá vàng bình quân trong năm tới sẽ chỉ ở mức 1.775 USD/ounce, giảm so với mức giá 2.000 USD/ounce do ngân hàng này đưa ra lần trước. Tuy nhiên, BNP Paribas đánh giá, xu hướng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn còn đó và triển vọng của giá vàng vẫn là tích cực trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013.

Tuy vàng là kênh đầu tư hấp dẫn, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, đầu tư vào vàng theo hình thức lướt sóng sẽ rất rủi ro.

“Rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư vàng lúc này là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 3 triệu đồng/lượng. Do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách can thiệp mạnh vào thị trường, đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới, thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại”, ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng Kinh doanh thuộc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn phân tích.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường vàng trong nước thời gian qua “nóng” là do ngân hàng đẩy mạnh mua vào, mà từ ngày 25/11, các ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng, nên rất khó dự đoán diễn biến giá vàng trong nước thời gian tới.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện