Giá vàng quốc tế trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lập đỉnh cao mới. Ảnh: QH

 
Minh Anh Thứ Hai | 04/01/2021 13:27

Vàng tiếp tục “lấp lánh” trong những ngày đầu năm

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng quốc tế trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lập đỉnh cao mới.

Diễn biến giá vàng thế giới  

Theo Kitco, giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch 7H sáng thứ 2 ngày 4.1 (giờ Việt Nam) tăng lên 1.913 USD/ounce, vàng giao tháng 2.2021 tăng 0,80% lên 1.918 USD/ounce.

Tuần này, nhiều ý kiến cho rằng vàng sẽ tiếp nối đà tăng tuần trước. Tuần qua, giá vàng thế giới đã vọt lên từ phiên đầu tuần khi xuất hiện của một biến thể COVID-19 dễ lây lan hơn dấy lên những lo lắng, dẫn đến việc thắt chặt các hạn chế ở Anh, làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ảnh:takadada
Dự đoán giá vàng trong năm nay, đều theo chiều hướng lạc quan, nhất là vào cuối năm. Ảnh: takadada.

Trong năm 2020, giá vàng thế giới tăng hơn khoảng 373 USD/ounce, gần 25% so với đầu năm. Dự đoán giá vàng trong năm nay, đều theo chiều hướng lạc quan, nhất là vào cuối năm. Vàng được kỳ vọng sẽ dao động ở mức 1.950-2.000 USD/ounce trong quý I và II, sau đó sẽ tăng lên tới 2.100 USD/ounce và có thể là 2.250 USD/ounce vào cuối năm 2021. Trong năm 2021, vàng sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp trong khi duy trì thanh khoản dễ dàng để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo kết quả khảo sát 2.000 nhà đầu tư của Kitco về giá vàng đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư vẫn khá lạc quan về kỳ vọng giá vàng đi lên trong năm 2021. Có tới 84% người được hỏi nói giá vàng vượt 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021. Một số nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng có thể đạt tới 2.500-2.600 USD/ounce.

Giá vàng trong nước

Trước giờ mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết với giá mua vào, bán ra với 55,60-56,15 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng DOJI tại thị trường Hà Nội được niêm yết giá mua vào, bán ra 55,40-56,25 triệu đồng/lượng. Còn trên hệ thống Phú Quý, giá vàng miếng SJC trước giờ mở cửa phiên đầu tuần được niêm yết mua vào, bán ra 55,65-56,25 triệu đồng/lượng.

Ảnh:thanhnien
Giá vàng trong nước dự kiến diện biến theo hướng tích cực trong năm 2021. Ảnh: thanhnien.

Sáng ngày 4.1, giá vàng PNJ được niêm yết mua vào, bán ra ở mức 54,9-55,4 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng 24k Rồng Vàng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào và bán ra 54,76-55,46 triệu đồng/lượng.

Hiện giá vàng trong nước đang neo ở mức cao trên 56 triệu đồng/lượng nhờ diễn biến tích cực trên thị trường thế giới tuần trước kỳ nghỉ Tết dương lịch. Trong bối cảnh giá vàng thế giới có triển vọng sáng sủa, giá vàng trong nước được kỳ vọng sẽ diễn biến theo hướng tích cực trong tuần này.

Dò giá vàng năm 2021

Theo dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi theo hình chữ V trong năm 2021. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4,2% năm 2021 và Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 vào sự phục hồi này của kinh tế toàn cầu.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng để có được sự phục hồi đó, các quốc gia vẫn phải tiếp tục duy trì và tung ra các gói kích thích kinh tế mới, bởi hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020 và kéo dài trong năm 2021 vẫn còn rất lớn. Thậm chí, một số ngân hàng trung ương có thể phải tung ra chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) để khống chế chi phí lãi vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Đáng chú ý, FED cũng đã lên tiếng cam kết duy trì lãi suất ở mức 0-0,25% và tiếp tục nới lỏng định lượng (QE) cho tới khi kinh tế Mỹ phục hồi, thị trường lao động ổn định và lạm phát đạt mức trung bình mục tiêu 2%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng quy mô chương trình QE thêm 500 tỉ euro lên 1.850 tỉ euro (2.244 tỉ USD), đồng thời cam kết duy trì chính sách này đến ít nhất cuối tháng 3.2022.

Ảnh: vnreview
Nếu giá vàng vượt qua 2.100 USD/ounce, thì sẽ dễ dàng tiến tới 3.000 USD/ounce, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra vào gần cuối năm 2021. Ảnh: vnreview.

Tính cả gói kích thích kinh tế mới trị giá 900 tỉ USD mà Mỹ tung ra vào cuối năm 2020, tổng giá trị các gói kích thích kinh tế và QE của các quốc gia trên toàn thế giới đã lên tới hơn 20.000 tỉ USD, gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong đó, riêng các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng của Mỹ trong năm 2020 đã chiếm 12% GDP của nước này, gấp 3 lần quy mô cứu trợ năm 2008.  

Ông Colin, chuyên gia ngoại hối cho rằng, 2021 là năm các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ tăng mạnh nên sẽ tăng cường đầu tư vàng. “Nếu giá vàng vượt qua 2.100 USD/ounce, thì sẽ dễ dàng tiến tới 3.000 USD/ounce, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra vào gần cuối năm 2021. Tất nhiên, trong năm 2021 sẽ vẫn có những đợt điều chỉnh do thông tin tích cực về vắc xin COVID-19, khống chế dịch bệnh COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi, sẽ khiến các quốc gia ngừng kích thích kinh tế. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này chỉ là nhất thời”, ông Colin nhận định.

Bank of America cũng nhận định, việc các quốc gia, ngân hàng trung ương tung khối lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, sẽ thổi bùng áp lực lạm phát, khiến giá vàng lên 3.000 USD/ounce (tương đương khoảng 84 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC) vào cuối năm 2021.

► Giá vàng liên tục được "nâng đỡ"