Vàng: Tài sản trú ẩn an toàn trong một thế giới lãi suất âm
Các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang tăng dự trữ vàng. Năm 2014, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đạt 477 tấn, tăng 17% so với năm 2013, mức cao thứ 2 trong 50 năm qua.
Từ đầu năm 2015, đã có khoảng 15 ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất từ Ấn Độ đến Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Thụy Điển và Australia. Đáng kể là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Đan Mạch, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Thụy Điển đều giảm lãi suất xuống mức âm.
Lãi suất đã âm.
Các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong một nỗ lực chống giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ashish Bhatia, giám đốc phụ trách ngân hàng trung ương và chính sách công tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho biết, trong môi trường lãi suất âm, giá vàng sẽ hưởng lợi do chi phí cơ hội nắm giữ vàng giảm trong khi các đồng tiền trở nên rủi ro hơn.
Năm 2014, vàng là hàng hóa có hiệu quả cao thứ 2 chỉ sau USD. Vàng không có rủi ro tín dụng với thị trường thanh khoản tốt và phát huy hiệu quả khi xảy ra các sự kiện biến động địa chính trị.
Khi ngân hàng trung ương các thị trường mới nổi đang nỗ lực đa dạng hóa tài sản dự trữ - trước đây chủ yếu là USD và euro – vàng được xem là một trong những tài sản hấp dẫn nhất.
Bên cạnh USD và euro, ngân hàng trung ương các nước đang tìm kiếm loại tài sản thay thế nào? Có thể là yên Nhật, bảng Anh, franc Thụy Sĩ, đôla Australia, đôla Canada và thậm chí là Krone Đan Mạch. Vàng là tài sản dự trữ chính thức không có rủi ro tín dụng không giống các đồng tiền trên. Hơn nữa, vàng luôn dễ dàng đầu tư trong thị trường 3 nghìn tỷ USD, lớn hơn so với thị trường nợ quốc gia tại châu Âu.
Theo ông Bhatia, khi bạn có tài sản dự trữ trị giá 300 tỷ USD, bạn cần phải có thị trường lớn với mức thanh khoản tốt cho lượng dự trữ này. Khi ngân hàng trung ương cân nhắc các lựa chọn, vàng luôn luôn là tài sản thay thế hấp dẫn.
Đối phó với mối nguy giảm phát tại châu Âu và Nhật Bản, ngân hàng trung ương đang phải tung ra thêm các kích thích tiền tệ, làm giảm lợi tức và hạ lãi suất xuống mức âm.
Lãi suất âm hiện đang là một chiến lược gây nhiều tranh cãi khi một số nhà kinh tế học phân vân liệu chiến lược này có ảnh hưởng đến thái độ của những người gửi tiết kiệm hay không. Liệu người gửi tiết kiệm có rút tiền khỏi ngân hàng và cất dưới gối? Việc này có thể làm giảm lượng tiền mặt trong hệ thống và đẩy lãi suất tăng. Việc thực thi chiến lược lãi suất âm hiện nay không phải không chứa đựng những rủi ro.
Tình thế tuyệt vọng thường dẫn đến những hành động liều lĩnh.
Nguồn DVO/Kitco