Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều ế bởi giá cọc cao và khối lượng đấu thầu lớn. Ảnh: Quý Hòa
Vàng sốt vs vàng ế
Trong nỗ lực bình ổn thị trường vàng liên tục phá đỉnh giá, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mở lại các phiên đấu giá vàng miếng SJC sau 11 năm nhằm tăng cung vàng ra thị trường, bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, sau 5 lần gọi thầu, chỉ có 2 lần thành công, 3 lần bị hủy trong bối cảnh giá vàng vẫn tiếp tục nhảy múa cho thấy giá vàng không dễ kiểm soát.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều ế bởi giá cọc cao và khối lượng đấu thầu lớn. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.
Cụ thể, giá vàng trúng thầu cao hơn giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào trên thị trường (85,2 triệu đồng/lượng) và cao hơn giá thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng. Với giá trúng thầu cao như hiện nay, rất khó để Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cung cho thị trường vàng và kéo giảm chênh lệch giá vàng.
Trong nước, báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý I kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, được dự báo thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với USD.
Trên thế giới, căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm cả chiến sự ở Trung Đông và xung đột Nga - Ukraine, cùng với triển vọng Mỹ cắt giảm lãi suất khiến giới đầu tư tiếp tục đổ xô vào vàng.
Vì thế, dù các phiên đấu giá với thông điệp hạ nhiệt cơn sốt vàng đã diễn ra nhưng giá vàng vẫn bất kham và vượt mốc 92 triệu đồng/lượng vàng SJC. Có thể thấy khó khăn của Ngân hàng Nhà nước trong việc đấu thầu vàng nhằm tạo thêm sự ổn định trên thị trường chứ không phải cố gắng đưa ra một mức giá quá thấp. Cung nhiều vàng với giá thấp ra sẽ ổn định lại giá thị trường nhưng mất ngoại tệ. Tuy nhiên, thị trường vàng hiện đã rất khác so với lần đấu thầu cách đây hơn 1 thập kỷ. Thời điểm đó, nhu cầu trên thị trường vàng rất lớn với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại. Còn thời điểm hiện nay, tham gia đấu thầu chủ yếu là các doanh nghiệp và chỉ một số ngân hàng thương mại được cấp phép kinh doanh vàng miếng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, cho biết đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, giúp hạ nhiệt khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới. “Tuy nhiên, với giá khởi điểm đưa ra tương đối cao, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà thậm chí còn là tác nhân đẩy giá lên cao hơn”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng sản xuất và kinh doanh vàng, vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý Nhà nước.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng mức giá đấu thầu hiện nay cũng quá cao, không thể đạt được mục đích kéo giảm chênh lệch giá vàng. Với giá vàng đấu thầu cao như hiện nay, doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.
Chẳng hạn, với khối lượng đặt thầu cho một đơn vị lên tới 1.400 lượng với giá cọc ban đầu tương đương phải bỏ ra tầm 100 tỉ đồng. Việc bỏ ra lượng vốn hơn 100 tỉ đồng để giữ lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra khiến doanh nghiệp lo ngại là tất yếu.
Việc các phiên đấu thầu vàng liên tiếp phải hủy hoặc trúng thầu với tỉ lệ thấp khiến các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến chênh lệch giá vàng càng tăng mạnh. Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. “Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan... về Việt Nam rất nhanh”, ông Nghĩa nói.
Theo hướng này, một vài giải pháp cũng được đưa ra như Ngân hàng Nhà nước có thể nhập khẩu vàng và bán với giá cao hơn thế giới khoảng 1-2 triệu đồng/lượng, hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sau đó giao cho các ngân hàng thương mại làm đại lý và hưởng hoa hồng. Về lâu dài, nên mở rộng quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đủ điều kiện để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm